Ngừng bắn cho Ukraine, chứng khoán vụt tăng, vàng trở nên mong manh

(ĐTCK) Sau cuộc đàm phán được cho là căng thẳng, cuối cùng một thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine đã được 4 bên ký kết. Cùng với đó, kết quả kinh doanh khả quan của các đại gia công nghệ và trực tuyến giúp chứng khoán hồi phục mạnh, trong khi cơ hội phục hồi của vàng càng mong mạnh.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, phố Wall đón nhận kết quả kinh của các đại gia công nghệ và kinh doanh trực tuyến như Cisco Systems, TripAdvisor Inc, Expedia… với doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng.

Theo số liệu của Thomson Reuters, với 76% số doanh nghiệp trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, có khoảng 71,4% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, trong khi 56,8% vượt kỳ vọng doanh thu. Mức trung bình dài hạn lần lượt của 2 chỉ tiêu này là 63% và 61%.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế Mỹ lại cho thấy có dấu hiệu chậm lại trong quý đầu tiên của năm 2014. Theo đó, thất nghiệp tuần trước tăng 25.000, lên 304.000 điều chỉnh theo mua, đây là lần đầu thất nghiệp tăng hơn kỳ vọng. Trong khi doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,1% trong tháng Giêng, thấp hơn mức 0,3% trong tháng 12/2014 và thấp hơn so với kỳ vọng 0,4% của phố Wall. Ngoài ra, hàng tồn kho doanh nghiệp tăng ít hơn dự kiến trong tháng 12/2014.

Thông tin bên ngoài, tại Thủ đô Minsk của Belarus, sau cuộc đàm phán được đánh giá là căng thẳng, các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Dù đây là thỏa thuận mong manh, nhưng nó cũng giúp xoa tan nỗi lo của nhà đầu tư.

Một thông tin tích cực khác là tình hình Hy Lạp. Theo đó, sau cuộc đàm phán không đưa ra tuyên bố chính thức nào hôm thứ Tư, ngày thứ Năm, trong lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nhất trí với Chủ tịch bộ trưởng tài chính eurozone Jeroen Dijsselbloem về việc nước này sẽ tiếp tục gặp đại diện của các chủ nợ (Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế) vào thứ Sáu.

Sự thay đổi của Tsipras đánh dấu một bước đầu tiên hướng tới tiềm năng giải quyết cuộc khủng hoảng đã làm tăng nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro, trong đó có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn. Một quan chức của Hy Lạp ở Athens cho biết, đây là một động thái tích cực hướng tới một thỏa thuận tài chính mới với các chủ nợ.

Dù dữ liệu kinh tế kém vui, nhưng với các thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh và địa chính trị tại châu Âu, phố Wall đã tăng mạnh ngay từ đầu phiên và nới rộng dần đà tăng sau đó.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 110,24 điểm (+0,62%), lên 17.972,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,95 điểm (+0,96%), lên 2.088,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 56,64 điểm (+1,18%), lên 4.857,61 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trở lại sau thông tin tích cực từ tình hình Ukraine và Hy Lạp. Đặc biệt, thỏa thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine vừa đạt được sau cuộc đàm phán 4 bên giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp Đức có làm ăn với Nga tăng vọt, qua đó giúp chỉ số DAX tăng mạnh hơn 1,5%.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,94 điểm (+0,15%), lên 6.828,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 167,54 điểm (+1,56%), lên 10.919,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 46,82 điểm (+1,00%), lên 4.726,20 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm mạnh so với đồng USD, cùng thông tin tích cực từ châu Âu giúp chứng khoán Nhật Bản tăng vọt gần 1,9%, lên mức cao nhất 7 tuần rưỡi.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khá trong phiên thứ Năm do nhóm cổ phiếu viễn thông và thông tin về M&A. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì sắc xanh với kỳ vọng sẽ có gói kích thích kinh tế được đưa ra bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khi các dữ liệu kinh tế kém khả quan của nước này được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 327,04 điểm (+1,85%), lên 17.979,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 107,13 điểm (+0,44%), lên 24.422,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 15,71 điểm (+0,50%), lên 3.173,42 điểm.

Trên thị trường vàng, những thông tin tích cực về địa chính trị châu Âu, cùng sự hấp dẫn của chứng khoán dĩ nhiên kiến vàng trở nên mong manh. Dù hồi phục khá tốt trong phiên châu Á, nhưng sau những tin tức được phát đi ở châu Âu, giá vàng đã hạ nhiệt dần trong phiên giao dịch Mỹ và nếu không có dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố, nhiều khả năng giá kim loại quý này còn đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 12/2, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,31%), lên 1.221,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,1 USD/ounce (+0,09%), lên 1.220,7 USD/ounce.

Trái ngược với vàng, thông tin tích cực từ Minsk lại giúp cho giá dầu thô hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 12/2, giá dầu thô Mỹ tăng 2,37 USD/thùng (+4,63%), lên 51,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,39 USD (+4,19%), lên 57,05 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục