Năm 2011: Bò hay gấu thắng thế?

(ĐTCK-online) Khi rất nhiều nhà phân tích nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi yếu, có nhiều lý do để tin rằng TTCK năm 2011 sẽ có nhiều điểm giống năm 2010 với những cú trồi sụt mạnh.
Năm 2011: Bò hay gấu thắng thế?

Robert Barone, một giám đốc của AAA's Finance and Investment Committee đang quản lý 4 tỷ USD tài sản đầu tư, cho rằng, sự hồi phục kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự mạnh như kỳ vọng, nhưng ít có khả năng suy thoái kép sẽ xảy ra.

Sự thay đổi chính sách gần đây của Chính quyền Obama theo hướng tiếp tục chính sách miễn giảm thuế của chính phủ tiền nhiệm và cắt giảm thuế an sinh xã hội đối với các cá nhân trong vòng 1 năm khiến cho khả năng suy thoái kép khó xảy ra, cho dù việc cắt giảm thuế này phải trả giá bằng việc thắt chặt tài khóa.

Nhà kinh tế David Rosenberg tại Gluskin-Sheff đã tuyên bố vài lần trên blog cá nhân của mình rằng, tiêu dùng năm 2010 đã được hỗ trợ bởi những người đã ngừng thanh toán tiền vay thế chấp mua nhà nhưng vẫn ở trong những ngôi nhà thuê (miễn phí).

Theo Rosenberg, một tỷ lệ cao vốn thường được dùng để thanh toán tiền vay thế chấp (nay không thanh toán nữa) có thể đã chảy sang kênh tiêu dùng. Do đó, một tỷ lệ vỡ nợ hệ thống lớn (nếu xảy ra) có thể sẽ có ảnh hưởng trong năm 2011.

Thị trường nhà đất Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá là điều được dự báo trước. Năm 2011, các vụ tịch thu nhà sẽ không nhiều như những người mất việc làm, nhưng các vụ vỡ nợ không tránh khỏi (strategic defaults) sẽ tăng lêntránh khỏi sẽ tăng lên.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ căng thẳng hơn dự báo. Trước là cứu Hy Lạp, bây giờ là Ireland. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dường như đang là đối tượng tiếp theo. Khi thủ tướng các nước này tuyên bố không cần cứu giúp, tức là điều đó sắp xảy ra. Tại châu Âu, Bồ Đào Nha có thể được cứu như cách cứu Hy Lạp và Ireland, nhưng Tây Ban Nha thì quá lớn để làm như vậy.

"Năm 2011, các thị trường tài chính sẽ tiếp tục đối mặt với các vấn đề cũ và những thách thức mới", Ad van Tiggelen, nhà chiến lược đầu tư cao cấp tại Quỹ ING nói.

Các lo lắng về nợ sẽ "tấn công" nước Mỹ khi năm 2011 có thể là điểm bắt đầu của sự kết thúc của đồng USD như là đồng tiền dự trữ quốc tế. Hơn thế, các khoản nợ ở Mỹ hiện cũng không tốt hơn tại châu Âu và chi phí nợ sẽ tăng khi lãi suất tăng.

Những câu hỏi khó trả lời như thâm thủng ngân sách quá lớn sẽ khiến nước Mỹ trong tương lai ra sao, liệu các nhà buôn trái phiếu có lo lắng và liệu năm 2011 có thể là sự bắt đầu của chi phí vay nợ cao hơn… vẫn sẽ tiếp tục gây lo ngại trong giới đầu tư.

Trong khi đó, các kim loại quý như vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng yếu, thâm hụt ngân sách cao hơn khi đồng USD yếu sẽ dẫn tới giá hàng hóa tăng cao hơn (bao gồm cả kim loại quý). Trong trường hợp kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ, kinh tế thế giới sẽ cũng hồi phục mạnh mẽ và giá các loại chi phí tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất sẽ tăng mạnh do cầu lớn.

Thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ tăng trong năm 2011. Con số thâm hụt thực tế trong năm 2010 đã vượt 1.500 tỷ USD và con số thâm hụt năm sau có thể sẽ cao hơn.

Năm 2011, TTCK Mỹ có thể vẫn đi ngang. 20 năm về trước, chỉ số S&P 500 vẫn như ngày nay. Với tình trạng kinh tế hiện tại, xu hướng đi ngang có vẻ vẫn tiếp tục. Một số công ty lớn đã có tăng trưởng lợi nhuận, nhưng đa phần DN nhỏ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Và khi thất nghiệp vẫn cao thì tiêu dùng sẽ khó tăng mạnh.

Tuy nhiên, ABN Amro Private Banking dự báo, tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu tăng và tăng trưởng lợi nhuận tốt sẽ xóa đi các lo lắng về nợ chính phủ trong khu vực đồng euro, khiến TTCK các nước phát triển tăng khoảng 12% trong năm tới.

Các báo cáo ngày 10/12 cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao trong 6 tháng và thâm hụt ngân sách thì thấp hơn so với dự báo do xuất khẩu tăng mạnh lên mức của năm 2008.

"Người tiêu dùng đang trở lại và các thị trường phát triển sẽ góp sức vào động lực tăng trưởng kinh tế thế giới", Didier Duret, Giám đốc điều hành ABN Amro Private Banking đang quản lý 200 tỷ USD, nói. Chỉ số MSCI World Index theo dõi 24 thị trường phát triển đã tăng 8,5% trong năm 2010.

Duret nói rằng, các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được các rủi ro tiềm tàng trong khi kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng từ đầu năm tới nay. ABN dự báo tăng trưởng GDP thế giới thực là 4,3% trong năm 2011, hơn mức dự báo 4,1% của nhiều nhà kinh tế.

Cơ hội cho năm 2011 không phải là không có khi giá cổ phiếu ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường mới nổi, vẫn ở mức hấp dẫn. Năm 2011 đang tới và có nhiều lý do cho cả lạc quan và bi quan khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang nằm trên đường ranh giới giữa tăng trưởng yếu và đang cải thiện.

Bất chấp việc các dự báo kinh tế cho năm 2011 vẫn được cập nhật và thay đổi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn tiếp tục gói kích thích kinh tế 2 (QE2) và để ngỏ khả năng gói 3 (QE3), đây có thể là thời điểm tốt để quay lại với chứng khoán và chứng kiến sự "đấu tranh" giữa việc chấp nhận và không chấp nhận rủi ro.


Nguyên Hưng (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục