Mỹ và Trung Quốc kéo thị trường tiền tệ biến động mạnh năm 2016?

(ĐTCK) Trong báo cáo phân tích mới công bố, Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cho rằng, các nhà đầu tư không nên ngủ quên về khả năng Trung Quốc sẽ hạ giá đồng nội tệ thấp hơn nữa, đồng thời cảnh báo có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ độc lập trên mặt trận tỷ giá và lãi suất trong năm tới.
Mỹ và Trung Quốc kéo thị trường tiền tệ biến động mạnh năm 2016?

David Woo, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu lãi suất và tiền tệ toàn cầu của Bank of America, đã chỉ ra những đánh giá về thị trường tiền tệ và lãi suất của năm 2016: “Trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Fed) vào tháng 12 tới, chúng tôi cho rằng, câu hỏi đặt ra không phải là liệu kinh tế Mỹ có thể chịu đựng lãi suất cao hơn và tỷ giá đồng USD cao hơn hay không.

Câu hỏi thực sự là: trong bối cảnh neo tỷ giá USD/NDT có sự liên kết chặt chẽ và việc Trung Quốc tăng cường mở tài khoản vãng lai, liệu Trung Quốc có thể cộng hưởng với lãi suất Mỹ và đồng USD cao hơn? Chúng tôi hoài nghi về điều này. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ về neo tỷ giá USD/NDT, một sự liên kết thuận tiện và luôn là mỏ neo cho mô hình tăng trưởng toàn cầu trong suốt 15 năm qua. Sự liên kết này có thể sẽ không còn tồn tại và chúng tôi cho rằng sự kiện Trung Quốc hạ giá đồng NDT vào ngày 11/8 vừa qua chỉ là một bước đi nhỏ hướng tới sự điều chỉnh này”.

Nhà chiến lược này không cho rằng, động lực để kéo tỷ giá đồng NDT xuống thấp là để tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu, bằng cách cải thiện sức cạnh tranh của họ. Hơn hết, điều này cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có đủ dư địa để thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, trong bối cảnh mô hình kinh tế Trung Quốc đang có sự điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn.

“Chúng tôi cho rằng, đồng NDT sẽ tiếp tục hạ giá hơn nữa trong thời gian tới, mở cửa khả năng Trung Quốc gia tăng tài khoản vãng lai, bởi lẽ Bắc Kinh khó có thể đồng thời hạ thấp lãi suất và bảo vệ đồng NDT”, chuyên gia Woo đánh giá.

Bank of America đã phát triển chỉ số các điều kiện tiền tệ của Trung Quốc, trong đó theo dõi hiệu quả tỷ giá hối đoái thực và lãi suất thực. Biểu đồ dưới đây mô tả chỉ số các điều kiện tiền tệ của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 9/2007 đến tháng 9/2015.

Trên cơ sở đó, ngân hàng này kết luận, chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã trở nên quá chặt chẽ. “Chúng tôi dự báo mức neo tỷ giá USD/NDT sẽ ở ngưỡng 7.0, tức là thấp hơn 9% so với mức hiện tại. Chúng tôi có thể đánh giá lại mức độ sụt giảm của đồng NDT ngay trong đầu quý I/2016, khi có sự kết hợp của đồng NDT trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) và khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 tới. Cả hai khả năng này đều là kịch bản trung tâm mà chúng tôi theo dõi, điều có thể trở thành một lực đẩy hoàn hảo cho đồng NDT”.

Sự giảm giá đột ngột của đồng NDT trong tháng 8 là một nỗ lực giảm quy mô mà PBoC buộc phải can thiệp vào thị trường tiền tệ, một quá trình vô tình làm cạn kiệt nguồn thanh khoản nội địa. Những hoảng loạn từ thị trường đã kéo dòng vốn đầu tư chảy khỏi nước này, khi các nhà đầu tư và công ty bắt đầu lo ngại về nguy cơ tiếp diễn khi đồng NDT bị hạ giá hơn nữa, xói mòn giá trị các tài sản định giá bằng đồng NDT mà họ nắm giữ, đồng thời gia tăng chi phí các khoản nợ định giá bằng đồng USD.

Chuyên gia Woo tin rằng, một khi nhiệm vụ đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kết thúc, dù thành công hay thất bại, Bắc Kinh cũng sẽ giảm dần mong muốn trợ giá đồng NDT. Viễn cảnh đồng NDT giảm giá sẽ là lực đẩy các động thái lãi suất và tỷ giá trên các thị trường ngoại hối trong năm 2016, Bank of America kết luận.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục