Mỹ tranh luận về “quyền được làm việc”

(ĐTCK) Mới đây, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tái khẳng định việc tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, ngược với chức năng của cơ quan này trong nhiều thập kỷ trước.
Mỹ tranh luận về “quyền được làm việc”

Nhân chuyện này, các học giả Mỹ đã khơi lại cái gọi là “quyền được làm việc” của người dân. Theo đó, mọi người Mỹ sẵn sàng và có khả năng làm việc đều có quyền được làm việc và được trả lương. Nếu khu vực tư nhân không thể tạo ra đủ việc làm cho họ thì khu vực công phải làm điều đó.

Nancy Folbre, giáo sư kinh tế của Đại học Massachusetts , nhìn nhận, hầu hết chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó, việc làm được trả công là cách duy nhất để đạt tới sự tự chủ về kinh tế. Không có nó, cuộc sống của các gia đình vốn dựa vào những người đang ở độ tuổi lao động sẽ phụ thuộc lớn vào lòng tốt của những người xa lạ, nói cách khác là phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp và tem thực phẩm.

Trong hơn 4 năm qua, nước Mỹ đã chịu những mức độ thất nghiệp mà về cơ bản làm cho nó không thể đáp ứng được nhu cầu của hầu hết những người tìm việc. Số công nhân thất nghiệp thường xuyên cao hơn 3 lần số việc làm mới được tạo ra.

Một bộ phận chính trị gia Đảng Cộng hoà từng khăng khăng rằng, nhiều người mất việc, đang thư giãn trong một mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn, đơn giản là không cố gắng đủ mức để có thể tìm được một việc làm. Casey Mulligan, một chuyên gia kinh tế cũng đưa ra lý lẽ tương tự khi bác bỏ thông tin tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ ở Mỹ đã tăng lên trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2011. Ông này cho rằng, trợ cấp xã hội đã làm vô hiệu những ảnh hưởng của thất nghiệp và triệt tiêu động lực làm việc.

Nhưng Shawn Fremstad của Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu kinh tế phản đối phương pháp luận đó, đồng thời chỉ rõ những số liệu cho thấy, tỷ lệ nghèo đói đã tăng lên đáng kể ở những người đang trong độ tuổi lao động.

Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp gia tăng đã gây thêm áp lực kinh tế trong hầu hết các tầng lớp xã hội, không chỉ là những người nghèo và cận nghèo. Trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2011, thu nhập trung bình đã giảm ở cả 4 nhóm dưới (80% số hộ) trong xã hội Mỹ.

Việc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp cho người nghèo không phải là giải pháp tốt nhất để đối phó với tình trạng thất nghiệp cao kéo dài. Như John Stuart Mill đã nhấn mạnh nhiều năm trước, những người có khả năng mưu sinh sẽ không chịu lệ thuộc vào sự giúp đỡ theo thói quen của người khác. Tuy nhiên, Mill cho rằng, sự trợ giúp như vậy đôi khi cũng cần thiết. Theo Mill, nghị lực tự thân có thể bị suy giảm nếu thiếu hay thừa sự giúp đỡ. Khi điều kiện của bất kỳ người nào đó bất hạnh đến nỗi nghị lực của họ bị sự chán nản làm cho tê liệt thì sự hỗ trợ sẽ là một liều thuốc bổ, không phải thuốc giảm đau.

Tê liệt do chán nản là cụm từ diễn tả khá đúng tình trạng của một bộ phận dân cư đang tăng lên ở Mỹ. Nhìn chung, ở một bang mà tỷ lệ thất nghiệp càng cao thì phần trăm công nhân chán nản càng lớn (họ không đi tìm việc vì nghĩ rằng không có việc cho họ). Thực tế, lực lượng lao động tại Mỹ đã giảm trông thấy kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế gần đây bắt đầu, đặc biệt ở những người ít được đào tạo.

Cách tốt nhất để khích lệ các công nhân làm việc, tăng thu nhập cho gia đình và giảm chi tiêu công cho bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm là tạo ra thêm công ăn việc làm. Cách đơn giản nhất để tạo thêm việc làm là tăng biên chế ở khu vực công. Chính phủ Mỹ cũng có thể đầu tư vào các chương trình khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ thuê nhân công cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật (như đường xá, cầu cống) đã cũ kỹ, cải thiện hạ tầng xã hội (như chăm sóc trẻ chưa đến tuổi đến trường và người già tại nhà) và tăng cường bảo vệ môi trường (gồm tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ điện mặt trời).

Tất cả những hoạt động đầu tư đó sẽ giúp mang lại một lượng việc làm lớn cho xã hội mà các doanh nghiệp tư nhân không dễ tự làm được. Ngược lại, không có bằng chứng nào cho thấy, việc giảm thuế đối với người giàu sẽ kích thích tạo ra việc làm hay tăng trưởng.

Tổng thống Obama và các thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi chi tiêu nhiều hơn để tạo thêm việc làm, nhưng chỉ nhận được sự phản đối dữ dội từ các thành viên Đảng Cộng hoà. Mối quan tâm tới việc cắt giảm thâm hụt ngân sách đã lấn át các cuộc thảo luận về tạo việc làm. Việc làm công đã tăng đều đặn trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Bush, nhưng kể từ khi Obama nhậm chức, nó đã giảm đáng kể.

Giờ đây, có lẽ bất cứ điều gì liên quan đến việc tạo thêm công ăn việc làm sẽ phải vượt qua cái gọi là “vách đá tài chính” của nước Mỹ vào đầu năm tới.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục