Mỹ, EU làm hỏng chiến dịch “Bắc tiến” của Nga

(ĐTCK) “Chúng tôi đã quen với suy nghĩ rằng, lĩnh vực năng lượng là cái gì đó có thể gắn kết phương Tây với Nga”, Matthew Sagers, giám đốc cao cấp của Russia & Caspian Energy ở HIS, nói. “Nhưng giờ đây, đó đang là một chiến trường”.
Mỹ, EU làm hỏng chiến dịch “Bắc tiến” của Nga

Bên dưới biển Kara, phía Bắc bờ biển Siberi của Nga, trữ lượng dầu mỏ có thể còn lớn hơn toàn bộ Vịnh Mexico. Đó ít nhất là con số ước tính của Chính phủ Nga - và là lý do vì sao ExxonMobil bắt đầu khoan thăm dò ở đó cùng với Rosneft chỉ mới cách đây 4 tuần.

Nhưng những nỗ lực của các công ty này trong việc xác định tiềm năng của Cực Bắc Nga hiện đang bị đe dọa dữ dội bởi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây dành cho Nga, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Và đó không phải là dự án duy nhất đối diện rủi ro. Các dự án trị giá hàng tỷ USD khác cũng đang bị bỏ lửng, đẩy tham vọng khai thác vùng Cực Bắc rộng lớn và nguồn dầu mỏ khổng lồ của Moscow vào nguy hiểm.

Một trong những dự án đó là Yamal LNG, dự án khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá 27 tỷ USD ở Bắc Cực, đang được phát triển bởi nhà sản xuất khí thiên nhiên độc lập Novatek của Nga, và được xem là một trong những sáng kiến năng lượng chiến lược nhất của Nga.

Quá trình triển khai các dự án trên đang có nguy cơ gián đoạn bởi các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng các giao dịch tài chính và cung cấp thiết bị khoan.

Hầu hết nhà phân tích cho rằng, sẽ có rất ít hoặc không có tác động nào đối với hoạt động sản xuất dầu hiện tại của Nga. Nhưng về dài hạn, ảnh hưởng có thể khủng khiếp. “Sản lượng của Nga có thể giảm 20% vào năm 2020 nếu các biện pháp hạn chế này còn hiệu lực”, một nhà tư vấn cảnh báo.

Giếng dầu khổng lồ thuộc miền đông Siberi của Nga, chiếm 65% tổng sản lượng dầu của nước này, đã bão hòa và đang giảm dần. Do đó, Nga cần khởi động khai thác các nguồn dầu mới, nếu muốn không bị giảm sản lượng và duy trì tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, doanh thu từ dầu và khí đóng góp khoảng 50% thu ngân sách của nước này.

Nga không thể khai thác các mỏ dầu nói trên mà không có công nghệ của phương Tây

Tuy nhiên, Nga không thể khai thác các mỏ dầu nói trên mà không có công nghệ của phương Tây. Bởi vậy mà các liên doanh giữa Rosneft với Exxon của Mỹ, ENI của Ý và Statoil của Na Uy đã ra đời.

Sau khi các biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây được áp dụng, các liên doanh này dường như bất động. Mỹ đã hạn chế Rosneft và Novatek tiếp cận các thị trường tài chính và ban hành lệnh cấm giao dịch các công nghệ được sử dụng ở Bắc Cực, các vùng nước sâu hay khai thác sa khoáng - đều là những lĩnh vực cốt yếu của ngành dầu khí Nga.

Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft, đã hạ thấp tác động. “Nếu người Đức không muốn bán (các thiết bị khoan và hệ thống ống dẫn), chúng tôi sẽ mua từ Hàn Quốc hay Trung Quốc”, ông nói với Der Spiegel trong tuần trước. Hôm thứ Hai, Rosneft cũng đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào một trong những mỏ dầu gần bờ lớn của Hãng, trong một thỏa thuận nhằm tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Moscow và Bắc Kinh.

Nhưng giám đốc điều hành của một trong những công ty đối tác của Rosneft tỏ ra bi quan với các dự án Bắc Cực, nước sâu và đá phiến sét. “Sẽ rất khó để tìm được một nguồn thay thế cho tất cả thiết bị của Mỹ”, ông này nói. “Tới đây sẽ là những ngày tháng khó khăn của các dự án này”.

Theo ông Sechin, một vấn đề lớn là các dự án đó không chỉ bao gồm khoan và ống dẫn. Nga cũng cần một lượng lớn các dàn khoan nổi để sử dụng cho các mỏ ngoài khơi. Nước này cũng tín nhiệm cao đối với các công ty dịch vụ phương Tây trong việc hoàn tất giếng dầu: các khâu phức tạp, như bơm áp hút dầu, được thực hiện sau khi một giếng được khoan, và là công đoạn đặc biệt quan trọng trong khai thác dầu thô.

“Vấn đề nằm ở khâu hoàn tất chứ không phải ở khâu khoan”, Richard Anderson, Giám đốc tài chính của Eurasia Drilling, một công ty dịch vụ dầu khí chuyên cung cấp cho Nga, nói.

Schlumberger, một trong những công ty dịch vụ dầu khi lớn nhất thế giới, vừa cho biết, các biện pháp trừng phạt “đang ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi ở Nga”.

Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft, đã hạ thấp tác động của các biện pháp trừng phạt, nói trong tuần trước rằng, “Chúng tôi sẽ mua (các thiết bị khoan) từ Hàn Quốc và Trung Quốc”

Vài trong số những câu hỏi lớn nhất đó được đặt ra đối với liên doanh Exxon - Rosneft. Những người liên quan mật thiết đến các công ty này nói rằng, hợp đồng hợp tác của họ được ký kết trước thời điểm áp dụng các biện pháp trừng phạt, nên không bị ảnh hưởng. Họ nhấn mạnh đến việc thiếu các phản ứng từ giới chức Mỹ khi hai công ty bắt đầu khoan hồi tháng trước.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, dự án liên doanh không thể tiến thêm nữa. “Tôi không hình dung được hoạt động khoan sẽ diễn ra như thế nào ở Bắc Cực, ngoại trừ giếng khoan đầu tiên này”, giám đốc điều hành của một công ty dầu đang hoạt động ở Nga nói.

Một phần của vấn đề là khoảng thời gian thuận lợi để tiến hành các hoạt động khoan ngoài khơi Bắc Băng Dương chỉ còn vài tháng. “Họ không thể thăm dò các bể dầu ở thời điểm hiện tại, nên sẽ phải trở lại vào năm sau”, James Henderson của Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford nói. “Nhưng liệu Exxon có trở lại? Liệu họ có thể mang trở lại tất cả các thiết bị khoan thăm dò?”.

Với Novatek, vấn đề ở ngay trước mắt. Công ty này và các đối tác của mình ở liên doanh Yamal LNG - Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc - đã lên kế hoạch trang trải 30% chi phí cho dự án bằng nguồn tiền của chính mình và đi vay phần còn lại. Nhưng, do có các biện pháp trừng phạt, CEO Leonid Mikhelson của Công ty thừa nhận rằng, các đối tác giờ đây có thể phải cam kết góp tiền mặt nhiều hơn khi các quỹ bên ngoài đóng cửa với họ.

Mark Gyetvay, một người Mỹ, hiện là Giám đốc tài chính của Novatek, nói rằng, do các biện pháp trừng phạt mà ông đã phải tự nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ dài hạn mới.

Ở tất cả các công ty trong ngành công nghiệp dầu khí của Nga, hoạt động giải ngân vốn đã chậm lại gần đây. Rosneft, trước đó nói sẽ dành 730 tỷ ruble cho hoạt động đầu tư trong năm nay, nhưng đã chỉ chi ra 237 tỷ ruble tính đến cuối tháng 6. Gazprom Neft, từng nói sẽ rút hầu bao 330 tỷ USD, nhưng chỉ giải ngân 108 tỷ ruble trong cùng thời gian. Rosneft và Gazprom Neft không tuyên bố trì hoãn bất cứ dự án nào, nhưng theo giới phân tích, các công ty này đang bảo tồn nguồn lực tài chính để có thể đề phòng bất trắc.

Với những người đã dành nhiều năm nỗ lực kết nối Nga vào lĩnh vực năng lượng toàn cầu, tất cả những sự thụt lùi này là rất khó chấp nhận. “Chúng tôi đã quen với suy nghĩ rằng, lĩnh vực năng lượng là cái gì đó có thể gắn kết phương Tây với Nga”, Matthew Sagers, giám đốc cao cấp của Russia & Caspian Energy ở HIS, nói. “Nhưng giờ đây, đó đang là một chiến trường”.

Quang Huy (Theo FT)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục