Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt

Tỷ lệ các CEO lạc quan về môi trường kinh tế trên toàn thế giới (ít nhất là trong ngắn hạn) đang cao ở mức kỷ lục. Đây là một trong những kết quả chính của cuộc khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu lần thứ 21 do PwC thực hiện với gần 1.300 CEO trên khắp thế giới và vừa được công bố tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.
Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt

57% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này gần gấp đôi mức của năm ngoái (29%) và là mức tăng lớn nhất kể từ khi PwC bắt đầu khảo sát về tăng trưởng toàn cầu vào năm 2012.

Sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ (59%) sau một giai đoạn biến động xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (năm 2017: 24%).

Brazil cũng cho thấy sự gia tăng lớn về tỷ lệ các CEO cho rằng mức tăng trưởng toàn cầu sẽ cải thiện (tăng 38% lên mức 80%). Ngay cả tại các nước kém lạc quan như Nhật Bản (năm 2018: 38%; năm 2017: 11%) và Vương quốc Anh (năm 2018: 36%; năm 2017: 17%), mức lạc quan về tăng trưởng toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm ngoái. 

Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt ảnh 1

"Sự lạc quan của các CEO trong nền kinh tế toàn cầu là do các chỉ số kinh tế đang rất mạnh.

Với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và GDP dự đoán sẽ tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, không có gì đáng ngạc nhiên khi các CEO lại lạc quan như vậy,” ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC cho biết.

Niềm tin vào tăng trưởng doanh thu ngắn hạn đang gia tăng

Tinh thần lạc quan trong nền kinh tế đang khiến cho các CEO tin tưởng hơn vào triển vọng của chính doanh nghiệp mình, ngay cả khi mức tăng trưởng không lớn.

42% các CEO nói rằng họ "rất lạc quan" vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, cao hơn mức 38% năm ngoái.

Kết quả khảo sát có sự phân hóa khi tính theo quốc gia. Triển vọng đã được cải thiện ở một số thị trường trọng điểm như Australia (tăng 4% lên 46%) và Trung Quốc (tăng 4% lên 40%), nơi gia tăng tỷ lệ các CEO cho biết họ "rất lạc quan" về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới. 

Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt ảnh 2

Ở Mỹ, sự lạc quan của các CEO đã hồi phục. Sau những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử năm ngoái, việc chính phủ mới tập trung vào thể chế và cải cách thuế đã thúc đẩy niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh doanh trong năm tới - từ 39% năm 2017 lên 52% vào năm 2018. Và Bắc Mỹ là khu vực duy nhất nơi đa số các CEO đều "rất lạc quan" về triển vọng của họ trong 12 tháng tới.

Tại Vương quốc Anh, nơi các cuộc đàm phán Brexit mới chỉ tiến triển đáng kể trong thời gian gần đây, thì sự sụt giảm về mức độ lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng trong ngắn hạn là không đáng ngạc nhiên (năm 2018: 34%; năm 2017: 41%).

Ba ngành có triển vọng cao nhất trong năm nay là Công nghệ (48% CEO rất "rất tự tin"), Dịch vụ Kinh doanh (46%) và Dược phẩm và Khoa học Đời sống (46%) - tất cả đều vượt tỷ lệ trung bình của toàn cầu (42%).

Các chiến lược tăng trưởng vẫn không thay đổi so với cuộc khảo sát năm ngoái – các CEO sẽ dựa vào tăng trưởng hữu cơ (79%), giảm chi phí (62%), liên minh chiến lược (49%) và M&A (42%).

Có một sự gia tăng nhỏ về mối quan tâm đến việc hợp tác với các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp (năm 2018: 33%; năm 2017: 28%).

Các quốc gia đứng đầu về tăng trưởng: Niềm tin vào thị trường Mỹ tiếp tục tăng, dẫn trước Trung Quốc

Niềm tin của các CEO vào thị trường Mỹ đã mở rộng ra ngoài biên giới quốc gia này, với việc các CEO bên ngoài nước Mỹ lại một lần nữa bình chọn đây là thị trường tăng trưởng hàng đầu trong 12 tháng tới.

Năm nay, Mỹ đã nới rộng khoảng cách dẫn đầu trước Trung Quốc (Mỹ: 46%, Trung Quốc: 33%; khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc tăng 2% so với năm 2017).

Đức (20%) giữ vững vị trí thứ ba, tiếp theo là Vương quốc Anh (15%) đứng thứ tư, trong khi Ấn Độ vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường hấp dẫn thứ năm trong năm 2018.

Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt ảnh 3 

"Ngay cả với mức độ tin tưởng vào triển vọng toàn cầu cao như vậy thì các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn muốn và cần có những bến bờ an toàn để đầu tư với mục đích tăng trưởng ngắn hạn,” ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC cho biết.

“Khả năng tiếp cận người tiêu dùng, kỹ năng, tài chính và môi trường pháp lý thuận lợi đang củng cố vị thế của các thị trường hàng đầu, cho phép các lãnh đạo doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn của họ."

Mối đe dọa đối với tăng trưởng: Các CEO lo sợ những mối đe dọa xã hội rộng lớn hơn mà họ không thể kiểm soát được

Bất chấp sự lạc quan trong nền kinh tế toàn cầu, lo lắng đang gia tăng về các mối đe dọa rộng hơn liên quan tới hoạt động kinh doanh, xã hội và kinh tế.

Các CEO “cực kỳ quan ngại” về bất ổn địa chính trị (40%), các mối đe dọa an ninh mạng (40%), khủng bố (41%), nguồn cung các kỹ năng thiết yếu (38%) và chủ nghĩa dân túy (35%).

Những mối đe dọa này vượt xa các mối quan tâm quen thuộc về triển vọng tăng trưởng kinh doanh như biến động tỷ giá (29%) và sự thay đổi hành vi người tiêu dùng (26%). 

Mức độ lạc quan của các CEO toàn cầu tăng vọt ảnh 4

Đi theo xu hướng này, tỷ lệ CEO cực kỳ quan ngại về nạn khủng bố đã tăng gấp đôi (năm 2018: 41%; năm 2017: 20%) và khủng bố đã lọt vào top 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sự tăng trưởng.

Thể chế, chính sách thắt chặt quá mức vẫn là mối quan ngại hàng đầu của các CEO (42% cực kỳ quan ngại), và hơn một phần ba (36%) vẫn quan ngại về gánh nặng thuế gia tăng.

Việc thiếu hụt các kỹ năng thiết yếu là mối quan ngại hàng đầu của các CEO tại Trung Quốc (2018: 64% “cực kỳ quan ngại”; năm 2017: 52%).

Tại Mỹ (63%) và Vương quốc Anh (39%), an ninh mạng đã trở thành thách thức hàng đầu đối với các CEO thay vì thể chế, chính sách thắt chặt. Và ở Đức, an ninh mạng đã nhảy vọt từ vị trí thứ năm vào năm 2017 lên vị trí thứ ba (28%) trong năm nay.

Một năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết bởi hơn 190 quốc gia nhằm cam kết tự nguyện hành động về biến đổi khí hậu và đầu tư ít phát thải các-bon, tỷ lệ các CEO lo ngại về ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu và thiệt hại về môi trường lên triển vọng tăng trưởng đã tăng gấp đôi, đạt mức 31% (năm 2017: 15%).

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Paris đã đẩy mạnh vai trò hành động của doanh nghiệp đối với rủi ro, hành lang quy định và khả năng phục hồi của khí hậu.

Ở Trung Quốc, hơn một nửa (54%) các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cực kỳ quan tâm đến biến đổi khí hậu và thiệt hại về môi trường như là một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh doanh, tương đương với mức độ lo ngại về bất ổn địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ.

"Mức độ quan ngại cao như vậy là do những sự dịch chuyển lớn hơn về xã hội và địa chính trị chứ không phải do sự thay đổi trong bản thân thị trường hoạt động của các lãnh đạo doanh nghiệp,” ông Moritz nhận định.

"Rõ ràng sự lạc quan trong trung và dài hạn về tăng trưởng doanh thu đang bị hạn chế bởi các mối đe dọa mà thế giới kinh doanh không quen tự giải quyết.”

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục