Một loạt nhân viên Xiaomi sắp thành triệu phú

Bên cạnh 7 tỷ phú, hơn 50 nhân viên từ những ngày đầu tiên của Xiaomi cũng có thể trở thành triệu phú thế giới.
Bên trong cửa hàng Xiaomi - nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới. Ảnh: Bloomberg. Bên trong cửa hàng Xiaomi - nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Trước khi Xiaomi bắt đầu sản xuất smartphone cách đây 8 năm, 56 nhân viên đầu tiên đã góp 11 triệu USD vào startup này. Đây là số tiền họ tiết kiệm, vay mượn từ người thân, thậm chí một nhân viên lễ tân dùng cả của hồi môn của mình.

Còn hiện tại, họ là 56 người rất may mắn bởi Xiaomi đã trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới và đang chuẩn bị có đợt IPO “bom tấn” thế giới năm nay. Sau khi niêm yết, số cổ phần của 56 nhân viên này tại Xiaomi có thể đạt giá trị từ một đến 3 tỷ USD, tùy theo giá cổ phiếu. 

Li Weixing, một cựu nhân viên Microsoft đã tình cờ trở thành kỹ sư thứ 12 của Xiaomi năm 2010 khi nghe tin Lei Jun – chủ tịch, kiêm CEO Xiaomi và các nhà đồng sáng lập đang góp vốn cho vòng tài chính mạo hiểm. Li và nhiều người khác đều muốn tham gia.

Khi ấy, anh có khoảng 500.000 NDT (tương đương 79.000 USD) tiền tiết kiệm. “Số tiền này không đủ để mua một ngôi nhà nên anh ấy hỏi có thể đầu tư vào Xiaomi không. Chúng tôi trả lời chào đón tất cả mọi người, không chỉ riêng Li”, Lei kể lại trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở ở Bắc Kinh hồi tháng 3.

Trước khi góp vốn vào Xiaomi, một vài thành viên ban đầu của hãng đã có tiềm lực tài chính tốt, trong đó Lei đã gây dựng được công ty phầm mềm Kingsoft và đầu tư nhiều startup Trung Quốc khác. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều phải tích cóp để tham gia vào dự án này. 

Với vị trí hiện tại, Li có thể nhận về khoảng 10-20 triệu USD tùy thuộc vào giá trị đợt IPO của Xiaomi. Anh cũng chính là người tạo nên hệ điều hành của điện thoại Xiaomi.

Trong khi đó, nhân viên lễ tân từng góp của hồi môn trị khoảng 16.000-31.000 USD đang làm ở bộ phân nhân sự của Xiaomi. Với số cổ phần này, cô có thể nhận được từ một đến 8 triệu USD.

Sau đợt huy động đầu tiên, Lei quyết định giới hạn các khoản đầu tư ở mức 300.000 NDT (gần 47.000 USD) mỗi người để hạn chế rủi ro và ngăn việc nhân viên đi vay tiền để rót vốn.

“Sự quan tâm rất lớn nhưng chúng tôi phải giới hạn vì lo lắng mọi thứ trở nên rất tệ khi công ty thất bại”, nhà đồng sáng lập Xiaomi - Li Wanqiang cho hay.

Theo tính toán dựa trên bản cáo bạch của Xiaomi, 56 nhân viên ban đầu có thể nhận được 3 tỷ USD nếu Xiaomi được định giá 100 tỷ USD, bán ra 15% bằng cổ phiếu phát hành.

Trong khi đó, theo một ước tính thận trọng hơn, nhóm này có thể kiếm được 1,4 tỷ USD nếu đợt IPO của Xiaomi đạt giá trị 50 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khoản đầu tư của những nhân viên ban đầu có giá trị gấp khoảng 200 lần sau 8 năm. 

Một loạt nhân viên Xiaomi sắp thành triệu phú ảnh 1

 Lei Jun - chủ tịch, kiêm CEO Xiaomi có thể trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Bloomberg cũng ước tính, ngoài Lei, Xiaomi sẽ tạo thêm 6 tỷ phú thế giới nếu hãng công nghệ này được định giá 100 tỷ USD. Trong đó, vị chủ tịch này có thể sở hữu khối tài sản lên đến 27 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Các nhà đầu tư mạo hiểm từ Qiming Venture Partners cho tới Morningside Group cũng kỳ vọng nhận được lợi nhuận khổng lồ từ đợt IPO của Xiaomi. Đây có thể là đợt IPO lớn nhất từ năm 2014 sau khi Alibaba niêm yết thành công.

Sau 7 năm, Lei đã gây dựng Xiaomi từ một startup nhỏ bé trở thành một doanh nghiệp hiện có 15.000 công nhân, đạt doanh số 100.000 tỷ NDT (16 tỷ USD). Xiaomi hiện là hãng sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới.

 “Lei Jun là nhà sáng lập và có khả năng xoay đủ số vốn ban đầu. Vậy tại sao anh ấy lại chia sẻ với mọi người. Vì Lei có tầm nhìn và có thể xây dựng niềm tin vững chắc để mọi người chấp nhận rủi ro”, Richard Li, đồng sáng lập Morningside nhận định.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục