Mối lo mới với nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán toàn cầu có cơn rung lắc mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Liệu đây chỉ là chút lung lay của giới đầu tư trước nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, hay dấu hiệu của những cơn địa chấn mới?

Chỉ số FTSE Toàn cầu (FTSE All-world) trong tuần qua đã giảm 5,7%, mức giảm mạnh nhất trong 5 ngày kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Kể từ đầu năm tới nay, giới đầu tư toàn cầu đã tận hưởng niềm vui khi 2019 là năm có khởi đầu thuận lợi nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, không ít thành viên thị trường vẫn duy trì nỗi lo những diễn biến bất ổn sẽ sớm quay trở lại, nhất là khi các số liệu mới nhất về kinh tế toàn cầu đều đáng thất vọng.

Thêm vào đó, cả OECD và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong các báo cáo mới được công bố tuần trước đều hạ thấp hơn triển vọng đối với mọi tiêu chí tăng trưởng kinh tế chính trong năm nay, với nhận định “tình trạng tăng trưởng yếu vẫn duy trì và sự bất ổn đang lan tỏa”.

Mối lo mới với nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu ảnh 1

 Chứng khoán toàn cầu vừa có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018

Điềm xấu từ Mizuho

Tuần trước, Mizuho Financial Group bất ngờ thông báo gây sốc khi giảm mạnh dự báo lợi nhuận của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019. Theo đó, con số lợi nhuận là 80 tỷ yên, so với 570 tỷ yên trong dự báo trước.

Thêm vào đó, nhà băng lớn thứ hai Nhật Bản này cho biết sẽ tiến hành tái cấu trúc lại các khoản nợ với giá trị 680 tỷ yên (6,1 tỷ USD). Diễn biến này khiến giới đầu tư lo lắng gấp đôi, bởi đa phần các khoản này có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và các khoản nợ trái phiếu nước ngoài đang nắm giữ.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của Mizuho cho thấy, các nhà băng Nhật Bản đang trải qua giai đoạn khó khăn khi thị trường bất động sản đi xuống, trong khi đa phần các dịch vụ ngân hàng phục vụ nhu cầu nội địa không mang lại lợi nhuận tích cực. Thêm vào đó, các ngân hàng đang gặp vấn đề với việc nắm giữ trái phiếu nước ngoài.

Kể từ năm 2013, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiến hành các gói nới lỏng tiền tệ khủng, các nhà băng Nhật Bản đã rầm rộ tham gia thị trường trái phiếu quốc tế. 3 nhà băng lớn nhất Nhật Bản hiện đang nắm giữ hơn 35 nghìn tỷ yên trái phiếu nước ngoài tính tới cuối năm 2018 và vẫn đang mua vào với tốc độ chóng mặt. Những khó khăn mà Mizuho đang gặp phải là điềm xấu đối với hệ thống ngân hàng Nhật Bản và không loại trừ rủi ro lan tỏa ra toàn thị trường.

Đồng bảng Anh trỗi dậy

Các thị trường tài chính Anh cần phải chuẩn bị cho một tuần nhiều sóng gió, khi Thủ tướng Anh Theresa May chuẩn bị trình kế hoạch Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) lần thứ hai tới nghị viện. Một số tổ chức tài chính lớn, bao gồm cả Bank of America Merrill Lynch đã khuyến nghị khách hàng rằng động thái của chính phủ Anh sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá mạnh của đồng tiền nước này.

Theo quan sát thị trường, một số quỹ đầu cơ đã sẵn sàng để mua vào đồng bảng Anh năm nay. Kể từ đầu năm, đồng bảng đã tăng giá 2,5% so với USD (hiện là 1 bảng Anh đổi 1,31 USD) và cao hơn gần 5% so với đồng euro. Morgan Stanley dự báo, đồng bảng có thể tăng lên mức 1 bảng đổi 1,36 USD trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhiều khả năng đồng USD tiếp tục đi xuống, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời tiến hành chương trình cho vay giá rẻ với các ngân hàng thuộc khu vực châu Âu, sớm hơn một tháng so với dự báo mà các thành viên thị trường đưa ra. Gói cho vay này nằm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ECB.

Mặc dù vậy, những phát biểu của ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB cho thấy, cơ quan này tiếp tục hạ thấp hơn đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực.

“Trong một phòng tối, chúng ta chỉ bước từng bước nhỏ. Chúng ta không chạy, nhưng vẫn chuyển động”, ông Mario Draghi cho biết.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục