Mối lo của các nước châu Á khát dầu

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung của Saudi Arabia, sau khi Mỹ trừng phạt Venezuela và Iran.
Khói bốc lên từ nhà máy bị tấn công của Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters. Khói bốc lên từ nhà máy bị tấn công của Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Vụ tấn công nhà máy dầu tại Saudi Arabia cuối tuần trước đang đe dọa nhiều nước châu Á. Một năm qua, các nước này ngày càng phụ thuộc vào dầu thô từ đây.

Tổng cộng, các nước châu Á chiếm tới 72% xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia, tương đương 5 triệu thùng dầu một ngày, theo hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie. Vì đường ống vận chuyển dài, xuyên đại dương, sự thiếu hụt nguồn cung có thể kéo dài nhiều ngày, nếu không muốn nói là hàng tuần.

Nhiều dấu hiệu cơn khát trên thị trường đã xuất hiện. Saudi Arabia đã thông báo với các khách hàng Ấn Độ và Trung Quốc rằng họ sẽ không thể xuất khẩu sang đây nhiều dầu nhẹ như đơn hàng. Thay vào đó, họ sẽ chuyển đến loại dầu nhẹ hơn, WSJ trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Các cơ sở bị tấn công tại Saudi Arabia khiến sản lượng dầu nước này giảm nửa, tác động đến 5% nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Dù giới chức Saudi Arabia cho biết sẽ khôi phục một phần ba sản xuất đến hết thứ hai, giá dầu chốt phiên đầu tuần vẫn tăng tới 15% - mạnh nhất hơn ba thập kỷ.

Hiện tại, giá dầu Brent giảm 0,06% về 64,51 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng mất 0,51% về 59,04 USD.

Với các quốc gia châu Á khát dầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tác động từ vụ tấn công có thể sẽ rất lớn.

Theo báo cáo năm 2017 của Học viện Công nghệ Massachusetts, đây là ba quốc gia nhập khẩu dầu thô đứng thứ nhất, thứ 4 và thứ 5 thế giới.

Rất nhiều nước châu Á đang phải giảm phụ thuộc vào Iran và Venezuela những năm gần đây, do hai nước này đang bị Mỹ trừng phạt.

Năm nay, Saudi Arabia đã vượt Nga để trở thành nguồn nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Hồi tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 44,75 triệu tấn dầu thô từ đây, tương đương 17% tổng dầu nhập khẩu tháng đó.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Mỹ cũng đang giảm vài tháng gần đây, do chiến tranh thương mại hai bên leo thang.

Số liệu chính thức của Nhật Bản cũng cho thấy một phần ba nguồn cung dầu tại Nhật Bản là từ Saudi Arabia. Nước này hiện có số dầu dự trữ tương đương 230 ngày và đang cân nhắc sử dụng nếu cần, Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara cho biết.

Hiệp hội Dầu mỏ Hàn Quốc ước tính dầu mỏ từ Saudi Arabia chiếm gần 30% tổng nhập khẩu dầu năm ngoái. Bộ Năng lượng nước này cho biết sẽ cân nhắc dùng dầu dự trữ từ kho chiến lược và làm việc với các nhà máy lọc dầu để đảm bảo nguồn cung thay thế từ các nước sản xuất khác, nếu tình hình chuyển xấu.

7 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Saudi Arabia tăng 7,9% lên 847.000 thùng một ngày, theo Bộ Thương mại Ấn Độ. Con số này chiếm 19% tổng dầu nhập của nước này trong giai đoạn đó.

Dù vậy, kể cả sản xuất không bị ngắt quãng, sự bất ổn trên bán đảo Arab cũng đã buộc hãng dầu quốc doanh Saudi Ararmco cung cấp cho khách hàng loại dầu chất lượng thấp hơn, thay cho loại dầu nhẹ, chất lượng cao. Sau vụ tấn công, sản phẩm này càng khan hiếm.

Aramco đã trấn an giới chức và các hãng lọc dầu Ấn Độ rằng sẽ không thiếu dầu thô, một quan chức Ấn Độ cho biết trên WSJ.

Tuy nhiên, công ty này cũng nói với hai hãng lọc dầu Reliance Industries và Nayara Energy rằng không thể cung cấp dầu nhẹ như đặt hàng. Thay vào đó, Aramco đề xuất họ lấy loại nặng.

Sự thay thế này sẽ đảm bảo nguồn cung dầu ổn định. Tuy nhiên, nó vẫn có thể kéo giá dầu toàn cầu và chi phí của các hãng lọc dầu lên cao. Do thiết bị của các hãng thường chỉ dành cho một số loại dầu thô nhất định.

Lãnh đạo Aramco cũng cho biết đã thông báo với các nhà máy lọc dầu Trung Quốc rằng sẽ hoãn giao dầu nhẹ tháng tới thêm 10 ngày.

Hiện tại, câu hỏi với rất nhiều nước nhập khẩu dầu châu Á là việc gián đoạn sản xuất này sẽ trầm trọng đến mức nào và kéo dài bao lâu.

Liệu Saudi Arabia có thể giải quyết việc thiếu hụt dầu thô hay không. Trong khi đó, khả năng bất ổn tại Trung Đông còn kéo dài. Nhiều cuộc tấn công khác có thể tiếp tục xảy ra.

"Nếu việc thiếu hụt kéo dài hàng tuần, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố thi hành điều khoản bất khả kháng với các khách hàng châu Á", Mia Geng - nhà phân tích tại FGE cho biết. Đây là điều khoản cho phép các công ty hủy bỏ hợp đồng, do các yếu tố ngoài tầm kiểm soát.

Trong ngắn hạn, tác động lên thị trường từ vụ tấn công có thể được giảm thiểu nhờ nguồn dự trữ lớn từ Saudi Arabia và các khách hàng châu Á, giới phân tích cho biết.

Theo Bernstein, Trung Quốc hiện có hơn một tỷ thùng dầu, cả dự trữ và thương mại, tương đương 644 ngày nhập khẩu từ Saudi Arabia.

Dù vậy, Jefferies Group cho rằng trước mối đe dọa về nguồn cung, Trung Quốc có thể sẽ tập trung hơn vào sản xuất trong nước.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục