Lướt sóng chứng khoán ảnh hưởng đến “sức khỏe” tài chính?

(ĐTCK) Giới phân tích cảnh báo, lướt sóng chứng khoán thông qua việc mua vào nhóm các cổ phiếu lẻ và chờ đợi cơ hội bán ra không lâu sau đó có thể gây nguy hại cho “sức khỏe” tài chính của nhà đầu tư.
Lướt sóng chứng khoán ảnh hưởng đến “sức khỏe” tài chính?

Trong vòng 2 tuần qua, chỉ số chứng khoán S&P 500 trên TTCK Mỹ liên tục ghi nhận các mức tăng kỷ lục mới. Bên cạnh đó, lợi tức từ chứng khoán Mỹ mang lại cũng đã tăng 6% kể từ đầu năm đến nay, và tăng trên 15% trong vòng 12 tháng qua.

Đáng chú ý, việc lướt sóng thông qua đặt cược vào một số cổ phiếu “nóng” đang tạo ra những khoản sinh lời lớn. Ví dụ, hai doanh nghiệp niêm yết trên S&P 500 là Công ty công nghệ sinh học Vertex Pharmaceuticals và nhà phát triển video games Activision Blizzard đã trả cho các cổ đông của mình những khoản cổ tức rất cao trong thời gian qua. Rõ ràng, nếu nhà đầu lựa chọn một loại cổ phiếu tại thời điểm đúng đắn, họ sẽ trở nên rất giàu.

Đầu tư vào cổ phiếu luôn đi cùng các rủi ro, nhưng nếu bạn tự tin có thể xác định ‘điểm vàng’ của một loại cổ phiếu thì bạn hoàn toàn có thể theo đuổi nó  

- Giáo sư Bessembinder 

Tuy nhiên, trước khi lựa chọn và đặt cược vào các cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải cân nhắc về những điểm đáng chú ý mà giới phân tích đã chỉ ra. Đó không chỉ là việc thị trường phát triển theo chiều hướng “giá lên” cuối cùng cũng sẽ chạm tới điểm nút thắt, mà trong dài hạn sự thịnh vượng của thị trường chứng khoán nói chung không chỉ dựa vào một số cổ phiếu lẻ.

Nghiên cứu mới công bố có tên gọi “Liệu chứng khoán có vượt trội so với trái phiếu chính phủ?” của Hendrik Bessembinder, Giáo sư Tài chính tại Đại học Arizona State đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng, rào cản đối với hoạt động “lướt sóng” chứng khoán dựa trên một vài cổ phiếu lẻ là lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung.

Giáo sư Bessembinder cho rằng, các cổ phiếu lẻ cũng giống như tấm vé xổ số: Không nhiều các cổ phiếu được đặt cược có màn trình diễn tuyệt vời, trong khi hầu hết các cổ phiếu khác không đem lợi tức như kỳ vọng.

Để dẫn chứng, Giáo sư Bessembinder đã chỉ dẫn số liệu cho thấy 58% cổ phiếu lẻ trên thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 1926 không đem lại lợi tức nhiều hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 1 tháng. Con số này là khá thất vọng, khi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 1 tháng hiện chỉ có lợi suất dưới 1%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tổng thể lại “đánh bại” trái phiếu chính phủ Mỹ ở biên độ rộng hơn. Dữ liệu độc lập khác do Giáo sư Aswath Damodaran tại Đại học New York thu thập cũng cho thấy, kể từ năm 1928, cổ phiếu đem lại khoảng 9,5% lợi nhuận/năm, so với chỉ 4,9% lợi nhuận cho trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 3,5% lợi nhuận cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng. Trong kịch bản này, chứng khoán vượt trội hoàn toàn so với trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, khoảng 4% cổ phiếu trên toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ - dẫn đầu là Exxon Mobil và theo sau là Apple, General Electric, Microsoft và IBM - chiếm gần như toàn bộ mức lãi ròng của thị trường từ năm 1926 đến năm 2015. Ở chiều ngược lại, phần lớn các cổ phiếu lẻ trong giai đoạn này đều ghi nhận mức lãi thấp, thậm chí thua lỗ.

Điều đó một lần nữa cho thấy cổ phiếu thường vượt trội so với trái phiếu chính phủ trong dài hạn và cũng là lý do các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn thường ưu tiên giữ cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Vấn đề là triển vọng của cổ phiếu, không giống như trái phiếu chính phủ. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào bức tranh rộng hơn của nền kinh tế.

“Đầu tư vào cổ phiếu luôn đi cùng các rủi ro, đặc biệt sau giai đoạn chứng khoán không ghi nhận mức tăng đáng kể nào trong một thời gian dài. Nhưng nếu bạn tự tin có thể xác định ‘điểm vàng’ của một loại cổ phiếu thì bạn hoàn toàn có thể theo đuổi nó”, Giáo sư Bessembinder kết luận.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục