Lục đục lớn trong nội bộ Shinhan Bank

(ĐTCK-online) Từ đầu tháng 9 đến thời điểm này, mâu thuẫn nội bộ gay gắt giữa 2 vị lãnh đạo chủ chốt nhất của Shinhan Financial Group, tập đoàn tài chính – ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc (xét theo giá trị vốn hoá thị trường) và lớn thứ 3 (xét theo tổng tài sản) là Ra Eung-chan, Chủ tịch và Shin Sang-hoon, Giám đốc điều hành (CEO) âm ỉ bấy lâu đã trở thành công khai và là chủ đề nóng trên các trang báo viết, báo mạng cũng như trong giới tài chính, ngân hàng và các nhà đầu tư nước này.
Lục đục lớn trong nội bộ Shinhan Bank

Tại cuộc họp bất thường của Ban giám đốc Shinhan Financial Group (gồm 12 người) trong tuần qua, đại đa số thành viên đã ủng hộ đề nghị bãi nhiệm chức CEO của ông Shin Sang-hoon (với 10 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng). Bà Chun Sung-bin, thành viên Ban Giám đốc Shinhan Financial Group và là Giáo sư Đại học Sogang tiết lộ: “Chúng tôi đã nghe ý kiến từ cả hai phía và chưa thể khẳng định ai đúng, ai sai. Song chúng tôi đã nhất trí rằng, trong bối cảnh hiện nay, ông Shin Sang-hoon không thể tiếp tục đảm nhiệm chức CEO”.

Ông Shin Sang-hoon đã phản ứng gay gắt với quyết định phế truất chức CEO của mình và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Ủy ban giám sát các dịch vụ tài chính (FSC) của Hàn Quốc đã chính thức “vào cuộc” và sẽ tiến hành điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng. Ông Chin Dong-soo, Chủ tịch FSC cho biết, cả 2 vị lãnh đạo chóp bu của Shinhan đều phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, uy tín của Shinhan cũng như các cổ đông và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Lục đục lớn trong nội bộ Shinhan Bank ảnh 1
Chủ tịch Ra Eung-chan

Lục đục lớn trong nội bộ Shinhan Bank ảnh 2
CEO Shin Sang-hoon

Ngay sau đó, Shinhan Financial Group cũng quyết định thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra mọi chi tiết của vụ “đấu đá” này. Đội gồm 8 thành viên do ông Lim Bo-hyuk, Giám đốc Phụ trách về chiến lược làm đội trưởng.

Theo nhiều nhà phân tích, mâu thuẫn nội bộ này có nhiều tình tiết phức tạp và liên quan chủ yếu đến Shinhan Bank, đơn vị thành viên chủ chốt của Shinhan Financial Group. Mọi mâu thuẫn diễn ra âm thầm từ khi nào không biết, song chỉ bùng nổ khiến cả thiên hạ biết đến sau khi vào ngày 2/9/2010, Lee Baek-soon, CEO Shinhan Bank chính thức gửi đơn tố cáo với các cơ quan chức năng và yêu cầu khởi tố hình sự với Shin Sang-hoon với tội danh “tham nhũng và lạm dụng chức quyền”. Chẳng là trước khi lên làm CEO Shinhan Financial Group, ông Shin Sang-hoon đã là CEO Shinhan Bank từ năm 2003 đến 2009. Theo đơn tố cáo, trong thời gian từ năm 2003 đến 2006, Shin Sang-hoon đã bỏ túi 1,56 tỷ won (gần 1,33 triệu USD) từ quỹ công và dùng quyền lực của mình để cho vay sai nguyên tắc 95 tỷ won (80,8 triệu USD).

 Theo một số người am hiểu nội tình, cả ông Ra Eung-chan lẫn Shin Sang-hoon đều là “cán bộ lão thành” của Shinhan Bank, cùng làm việc với nhau ngay từ năm 1982, khi ngân hàng được thành lập. Ông Ra Eung-chan là CEO Shinhan Bank nhiều năm, sau chuyển sang làm Chủ tịch Shinhan Financial Group 4 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 1991 đến nay). Hai ông này lại rất thân thiết với nhau cả trong quan hệ cá nhân lẫn công tác. Shin Sang-hoon từng được coi là cánh tay phải của Ra Eung-chan. Gần đây, hai ông có vẻ không thân nhau như trước, song cũng chẳng có biểu hiện gì ghét bỏ nhau.

Theo một nguồn tin, đã có đơn tố cáo ông Ra Eung-chan vi phạm luật pháp Hàn Quốc khi mở một tài khoản tại Shinhan Bank với một cái tên giả và Shin Sang-hoon bị nghi là đứng đằng sau việc này. Động cơ có thể là khi Ra Eung-chan mất chức thì Shin Sang-hoon được thế chân. Mọi người suy đoán có thể đây là nguyên nhân khiến hai ông kéo bè kéo cánh “đánh nhau”.

Có điều khá trớ trêu là, tuy nội bộ mất đoàn kết trầm trọng, song kết quả và hiệu quả kinh doanh của Shinhan Bank vẫn rất cao, vào hàng đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại Hàn Quốc.

Trong quý II/2010, lợi nhuận thuần của Shinhan Bank đạt 588,6 tỷ won. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận thuần của 8 ngân hàng thương mại lớn nhất Hàn Quốc, trong đó có Shinhan Bank, là 3.680 tỷ won. Xét riêng theo chỉ số lợi nhuận bình quân tính theo số nhân viên, thì Shinhan đứng đầu; tiếp theo là Korea Exchange Bank (KEB), Industrial Bank of Korea (IKB), Hana, Citibank Korea, SC First, Woori và cuối cùng là Kookmin.

Shinhan Bank đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam cách đây gần 2 năm.

Cuối tuần qua, Shinhan Bank đã khai trương dịch vụ ngân hàng qua Internet bằng 9 thứ tiếng gồm tiếng Hàn, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Thái, Mông Cổ, Indonesia, Philippines và cả tiếng Việt nhằm hỗ trợ cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Nói chung, về mặt chuyên môn, Shinhan Bank không có điều gì phải chê cả, thế nhưng, chuyện nội bộ mất đoàn kết rõ ràng là nghiêm trọng và không dễ giải quyết dứt điểm và chóng vánh.

Ông Shim Tae-yong, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Daewoo Securities nhận xét: “Shinhan Bank khó có thể giải quyết xong vụ đấu đá nội bộ này trong vài tháng tới”.         


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục