London vẫn tấp nập trong ngày đầu tiên sau lệnh phong tỏa

(ĐTCK) Ngày 23/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc. Người dân sẽ cấm ra đường trừ một số trường hợp nhất định, áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm khắc nhất kể từ sau Thế chiến II. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần. Tuy nhiên, thay vì ở nhà, nhiều người dân London vẫn ra đường đi làm như ngày thường.
London vẫn tấp nập trong ngày đầu tiên sau lệnh phong tỏa

Theo sắc lệnh mới, mọi người dân phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm, thuốc men, tìm kiếm sự trợ giúp y tế và đến cơ quan khi không thể làm một số công việc tại nhà. Các cửa hàng bán những mặt hàng không được xếp vào dạng thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Nhà chức trách hiện cũng cấm việc tụ tập, gặp gỡ từ 2 người trở lên đối với những người không sống cùng một nhà. Ảnh: triangle news.

Sadiq Khan thị trưởng London đã cho đóng cửa một nửa hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Tuy nhiên, với số lượng người ra đường không hề giảm, hành động này đã khiến hệ thống di chuyển công cộng như tàu điện, tàu điện ngầm và xe buýt bị quá tải, người dân chen chúc nhau. Điều này đã đi ngược lại với những nỗ lực hạn chế sự lây lan virus corona của chính phủ.

Nhiều người dân London đã vô cùng giận dữ trước tình trạng này và cáo buộc những biện pháp của ông Sadiq Khan đã đặt tính mạng của họ vào tình thế nguy hiểm. Ảnh: triangle news.

Giải thích cho sự hỗn loạn này, Thị trưởng thành phố London cho biết ,lệnh cấm của chính phủ đưa ra chỉ cho phép những người có công việc quan trọng, bắt buộc phải đến trụ sở mới được ra ngoài và họ sẽ phải tránh đi vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, thực tế thì số người đi làm không hề có dấu hiệu giảm bất kể công việc của họ có quan trọng hay không. Chính điều này đã gây nên tình trạng quá tải ở các dịch vụ di chuyển công cộng. Mặt khác, thành phố hiện cũng không đủ nhân lực để đảm bảo việc duy trì hệ thống công cộng do một phần nhân sự đã bị cử đi giám sát tình trạng cách ly của người dân.

Các chuyến tàu ngầm chật kín người bất chấp lệnh phong tỏa được thông báo chỉ ít giờ trước. Số lượng người đeo khẩu trang vẫn còn rất ít và đứng sát vào nhau, bất chấp khoảng cách an toàn là 2 m. Ảnh Twitter.

CCTV quay cảnh hàng hàng dài người xếp hàng đi làm tại tuyến Jubilee của Tàu điện ngầm Luân Đôn chạy giữa Stratford và Stanmore vùng ngoại ô phía tây bắc. Ảnh Twitter.

Quanh khu vực ga tàu điện ngầm có rất nhiều tấm bảng nhắc nhở người dân hãy giữ khoảnh cách 2 m với người đối diện để tránh bị lây nhiễm virus. Ảnh Reuters.

Cảnh sát đã được tăng cường ở tất cả các nhà ga tàu điện và tàu điện ngầm để kiểm tra danh tính hành khách. Nếu công việc của họ không quan trọng sẽ không được sử dụng phương tiện và phải lập tức trở về nhà. Ảnh PA

Trái ngược với khung cảnh ở ga tàu điện ngầm, những con đường phía trên mặt đất vắng bóng người. Lác đác chỉ có vài người đi mua sắm vật phẩm thiết yếu tản bộ trên cầu Westminster. Ảnh AFP.

Robert Tay, người dân thị trấn Romford phía đông London, chụp bức ảnh xe buýt 2 tầng chật kín người với câu hỏi dành cho chính quyền thành phố “Liệu tất cả những người trên xe này đều có phải đang đi làm công việc quan trọng không? Thưa các ngài”. Ảnh Twitter.

Tình trạng đông đúc không chỉ xảy ra ở những phương tiện công cộng mà còn trên đường phố. Nhiều người dân vẫn lái xe riêng ra đường bất chấp lệnh cấm. Ảnh PA.

Thủ tướng Boris Johnson đã ngay lập tức có cuộc trao đổi qua điện thoại với Thị trưởng thành phố London về tình trạng hỗn loạn. Phát ngôn của Thủ tướng cho biết chính phủ đã yêu cầu London tăng thêm số lượng tàu điện để giảm tải tình trạng chen lấn gây ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng. Anh hiện ghi nhận 8.077 ca dương tính nCoV, trong đó 422 người đã tử vong.

Anh Quý
Theo dailymail

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục