Lo suy thoái kinh tế, giới đầu tư rút khỏi chứng khoán

(ĐTCK) Nỗi lo suy thoái kinh tế lên cao khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài khiến giới đầu tư rút khỏi chứng khoán để tìm đến trái phiếu chính phủ Mỹ và khiến đường cong lợi suất trái phiếu bị đảo ngược.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên thứ Ba và có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do môi quan tâm chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không có hồi kết và dường như còn leo thang hơn.

Báo chí Trung Quốc cảnh báo hôm thứ Tư rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm để tấn công lại Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa sẵn sàng để thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại. Trung Quốc là nguồn gốc của 80% đất hiếm được Hoa Kỳ nhập khẩu từ năm 2014 đến 2017.

Thêm một thông tin tiêu cực nữa tác động tới thị trường khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, tăng trưởng sản xuất của Mỹ giảm xuống mức thấp 10 năm. Theo các nhà phân tích, nó còn có thể giảm xuống nữa do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.

Sự không chắc chắn trên thị trường đã gây áp lực cho các nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu và tìm kiếm sự an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này này dẫn đến sự đảo ngược của đường cong lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm, dấu hiệu đầu tiên của một cuộc suy thoái kinh tế. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức thấp 2,21%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones giảm 221,36 điểm (-0,87%), xuống 25.126,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,37 điểm (-0,69%), xuống 2.783,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 60,04 điểm (-0,79%), xuống 7.547,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài nỗi lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán khu vực còn chịu tác động tiêu cực của thông tin nội khối. Ngoài việc Anh đang gặp bế tắc trong việc tìm cách “ly hôn” với EU, thì việc Hy Lạp và Italia đang có dấu hiệu không thể tuân thủ các quy tắc của EU về kỷ luật tài khóa cũng khiến giới đầu tư khu vực lo lắng.

Không những thế, thông tin mới nhất cho thấy, thất nghiệp của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu bất ngờ tăng 60.000 người trong tháng 5, trong khi dự đoán của giới phân tích là giảm 8.000 người.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 83,65 điểm (-1,15%), xuống 7.185,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 189,24 điểm (-1,57%), xuống 11.837,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 90,57 điểm (-1,70%), xuống 5.222,12 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm suy thoái kinh tế thế giới khiến chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm điểm trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại đảo chiều thành công và đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bù đắp cho những mất mát từ nhiều nhóm cổ phiếu khác.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 256,77 điểm (-1,21%), xuống 21.003,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,79 điểm (+0,16%), lên 2.914,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 155,10 điểm (-0,57%), xuống 27.235,71 điểm.

Trên thị trường vàng, đà giảm mạnh của chứng khoán lúc đầu hỗ trợ cho giá vàng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, nhưng khi bước vào cuối phiên Mỹ lực bán gia tăng đã kéo giá vàng trở lại và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 29/5, giá vàng giao ngay tăng 0,4 USD (+0,03%), lên 1.279,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,9 USD (+0,31%), lên 1.281,0 USD/ounce.

Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động tiêu cực tới giá dầu thô, khiến giá nhiên liệu này quay đầu giảm hơn 1% sau khi tăng tốt trong mấy phiên gần đây do căng thẳng ở Trung Đông lên cao.

Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ đứng ở mức 59,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,18 USD (-1,68%), xuống 69,15 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục