Ký xong giai đoạn 1, thương chiến Mỹ - Trung chưa hết “nóng“

Mỹ và Trung Quốc ngưng thương chiến kéo dài 18 tháng qua bằng việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhưng các “điểm nóng” xung đột giữa 2 bên vẫn hiện hữu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AFP Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AFP

Thỏa thuận giai đoạn 1 do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký hôm 15/1 (giờ Mỹ) được xem là bước tiến trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung sau nhiều tháng đàm phán ngắt quãng. Giới đầu tư kinh doanh toàn cầu thở phào khi đón tin 2 bên chính thức đạt thỏa thuận giai đoạn 1, dù vẫn còn những hoài nghi về xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

Các nhà phân tích đánh giá, thỏa thuận này không giải quyết được các vấn đề mang tính cấu trúc kinh tế dẫn đến xung đột thương mại giữa 2 bên, bởi nó không loại bỏ hoàn toàn các ngón đòn thuế quan mà 2 bên áp dụng khiến kinh tế toàn cầu chững lại và nhiều ngành sản xuất lao đao vì thiếu đơn hàng.

Trong khi thừa nhận cần phải đàm phán thêm với Trung Quốc để giải quyết hàng loạt vấn đề nóng khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ca ngợi thỏa thuận này như một chiến tích cho kinh tế Mỹ và chính sách thương mại của chính quyền Trump.

“Chúng ta đang cùng nhau sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và mang đến sự công bằng trong kinh tế và an sinh cho người lao động, nông dân và các gia đình Mỹ, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng trước sự hiện diện của các quan chức 2 bên.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đọc lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông Tập đánh giá thỏa thuận này cho thấy tín hiệu 2 bên có thể giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại.

Điều kỳ tích được Nhà Trắng nhắc đến trong thỏa thuận này là việc Trung Quốc cam kết chi thêm ít nhất 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ, từ nông sản đến và các hàng hóa và dịch vụ khác trong 2 năm, trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ chỉ đạt khoảng 186 tỷ USD năm 2017.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Nhà Trắng công bố, Trung Quốc cũng cam kết chi thêm 54 tỷ USD cho mặt hàng năng lượng, 78 tỷ USD cho sản phẩm công nghiệp chế tạo, 32 tỷ USD cho nông sản và 38 tỷ USD cho mảng dịch vụ từ Mỹ.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chi khoảng 40 tỷ USD/năm để nhập khẩu nông sản Mỹ trong 2 năm tới, tùy vào tình hình thị trường. Trước đó, Bắc Kinh đã chùn bước khi cam kết mua lượng lớn nông sản Mỹ và quay sang ký các hợp đồng mua đậu nành mới với Brazil kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra từ giữa năm 2018.

Đậu nành giao kỳ hạn trượt giá 0,4% trong thời gian diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 và thậm chí chìm sâu hơn sau phát biểu của Phó Thủ tướng Lưu Hạc khiến nông dân và các nhà giao dịch Mỹ càng hoài nghì về mục tiêu mua hàng của Trung Quốc.

Theo bà Michelle Erickson-Jones, người phát ngôn của Tổ chức phi lợi nhuận “Nông dân với Thương mại Tự do” (Mỹ), trong thỏa thuận này, Trung Quốc không chấm dứt hoàn toàn thuế trả đũa đối với nông sản Mỹ, khiến nông dân Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các quyết định nhập khẩu do nhà nước Trung Quốc kiểm soát và không giải quyết những thay đổi lớn về mặt cấu trúc kinh tế.

Dù thỏa thuận này có thể là cú hích thị trường đối với nông dân, nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thiết bị nặng của Mỹ, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc đã chuyển hướng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác sang Mỹ.

"Sự thay đổi căn bản trong chi tiêu nhập khẩu của Trung Quốc là điều không thể. Tôi không có nhiều hy vọng rằng Trung Quốc có thể thực hiện các mục tiêu nhập khẩu đã đề ra", ông Jim Paulsen, chuyên gia đầu tư của tập đoàn Leuthold Group tại thành phố Minneapolis (Mỹ) nhận định.

Tổng thống Trump luôn hối thúc thực hiện chính sách “nước Mỹ là trên hết” nhằm mục đích tái cân bằng thương mại toàn cầu để có lợi cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đã cam kết hành động để giải quyết các vấn đề hàng lậu, hàng giả và thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hướng đến bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ.

Phản bác lại chính sách của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng chiến lược đối phó với Trung Quốc của ông Trump đã gây ra thiệt hại sâu sắc và lâu dài cho ngành nông nghiệp Mỹ, làm xáo trộn nền kinh tế Mỹ để đổi lấy những lời hứa mà Bắc Kinh từng phá vỡ trong nhiều năm qua. 

Trước đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với Fox News rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ giúp tăng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2020 và 2021.

Thuế quan vẫn là điểm nghẽn trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1, Mỹ đã hủy áp thuế bổ sung lên điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay nhập từ Trung Quốc và cắt giảm một nửa thuế nhập khẩu còn 7,5% đối với 120 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc, gồm TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.

Mỹ dự kiến bỏ thuế suất 25% lên 250 tỷ USD giá trị các mặt hàng công nghiệp và linh kiện nhập khẩu Trung Quốc, còn Trung Quốc sẽ rút thuế trả đũa lên 100 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Thực tế cho thấy các đòn thuế quan của Mỹ thời gian qua đã “gậy ông đập lưng ông”, làm tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của các nhà sản xuất nước này. Thuế quan của Mỹ áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp Mỹ móc hầu bao thêm 46 tỷ USD.

Đúng như lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ đồng ý gỡ bỏ thuế quan còn lại lên hàng Trung Quốc khi 2 bên thống nhất đàm phán giai đoạn 2. Việc đàm phán này sẽ sớm được tiến hành, ông Trump cho biết.

“Mọi thứ sẽ rõ ràng khi chúng ta kết thúc giai đoạn 2”, ông Trump nói, đồng thời khẳng định ông sẽ thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa.

Giới phân tích nhận định, thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa giải quyết các mâu thuẫn cốt lõi giữa 2 bên, nhất là việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động thương mại không công bằng và những bất cập về bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước này, chưa kể việc giải bài toán Trung Quốc chống lưng các doanh nghiệp nhà nước - điều mà chính quyền Trump cáo buộc dẫn đến dư công suất ngành nhôm và thép, đe dọa các ngành công nghiệp từ chế tạo máy bay đến chất bán dẫn của Mỹ.

Vẫn chưa loại trừ khả năng 2 bên tái áp dụng thuế quan lên hàng hóa của nhau nếu các tranh chấp không được giải quyết. Điều này vô hình trung sẽ đẩy 2 nước quay lại tình thế xung đột hiện nay.

Lê Quân (Reuters)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục