Kỳ vọng vào đàm phán thương mại, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước (29/3) nhờ kỳ vọng tươi sáng vào vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo thông tin mới nhất về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, hai bên cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại đã kết thúc vào thứ Sáu tại Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán, nhằm giải quyết một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài gần 9 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được Washington gọi là một cách thẳng thắn và xây dựng.

Một phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu He dẫn đầu sẽ tới Washington vào tuần tới cho một vòng đàm phán khác.

Thông tin trên đã thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trên phố Wall, giúp các chỉ số chứng khoán ỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones tăng 211,22 điểm (+0,82%), lên 25.928,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,96 điểm (+0,67%), lên 2.834,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 60,16 điểm (+0,78%), lên 7.729,32 điểm.

Hai phiên tăng điểm cuối tuần đã giúp phố Wall nhanh chóng lấy lại đà tăng, lấy lại hết cả vốn lẫn lãi những gì đã mất trong tuần giảm tước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,67% sau khi giảm 1,34% trong tuần trước đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,20% sau khi giảm 0,77% trong tuần trước đó, Nasdaq cũng quay đầu tăng 1,13% sau khi giảm 0,60% trong tuần trước đó.

Tuần tăng điểm tốt cuối tháng đã giúp phố Wall có tháng tăng thứ 3 liên tiếp trong quý I. Cụ thể trong tháng 3, Dow Jones tăng 0,05%, S&P 500 tăng 1,79% và Nasdaq tăng 2,61%. Trong quý I, Dow Jones tăng 11,15%, S&P 500 tăng 13,07% và Nasdaq tăng 16,49%. Quý tăng tốt nhất kể từ năm 2009.

Tín hiệu lạc quan của cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu hứng khởi trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 29/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,86 điểm (+0,62%), lên 7.279,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 97,88 điểm (+0,86%), lên 11.526,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 53,99 điểm (+1,02%), lên 5.350,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu tăng điểm sau tuần giảm mạnh trước đó. Trong đó, chỉ số FTSE tăng 0,99% sau khi giảm 0,29% trong tuần trước đó, chỉ số DAX tăng 1,42% sau khi giảm 2,75% trong tuần trước đó, còn chỉ số CAC 40 cũng tăng 1,53% sau khi mất 2,50% trong tuần trước đó.

Tương tự phố Wall, tuần tăng cuối tháng đã giúp chứng khoán châu Âu có trọn quý I tăng điểm với mức tăng của FTSE trong tháng 3 là 2,89%, DAX là 0,09% và CAC40 tăng 2,10%. Trong quý I, FTSE tăng 8,19%, DAX tăng 9,16% và CAC 40 tăng 13,10%, quý tăng tốt nhất trong 4 năm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng tươi sáng về vòng đám phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, các thị trường trong khu vực đều vụt tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua, đặc biệt chứng khoán Trung Quốc nhảy vọt 3,2% khi giới đầu tư hứng khới với cam kết của Bắc Kinh về việc tự do hơn nữa với thị trường tài chính.

Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 172,05 điểm (+0,82%), lên 21.205,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 95,81 điểm (+3,2%), lên 3.090,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 276,15 điểm (+0,96%), lên 29.051,36 điểm.

Dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á cũng không thoát khỏi tuần giảm điểm do phiên lao dốc cuối tuần. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,95% sau khi tăng 0,82% trong tuần trước đó, chỉ số Hang Seng giảm 0,21% sau khi tăng 0,35% trong tuần trước đó và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,43% sau khi tăng 2,73% trong tuần trước đó.

Tuần giảm mạnh cuối tháng khiến Nikkei 225 quay đầu giảm 0,84% trong tháng 3 sau 2 tháng tăng liên tiếp trước đó. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite có tháng tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,46% và 5,09%. Chốt quý đầu năm, Nikkei 225 tăng 5,95%, Hang Seng tăng 12,40%, trong khi Shanghai Composite tăng tới 23,93%, chấm dứt chuỗi 5 quý giảm liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm.

Sau 2 phiên lao dốc, giá vàng hồi nhẹ trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần nhờ lực cầu bắt đáy sau những phiên giảm mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 29/3, giá vàng giao ngay tăng 2,3 USD (+0,18%), lên 1.292,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1 USD (+0,08%), lên 1.290,8 USD/ounce.

Phiên hồi nhẹ cuối tuần không để giúp giá vàng tránh khỏi tuần giảm mạnh sau 3 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,63%, giá vàng tương lai cũng giảm 1,64%.

Trong tháng, giá vàng giao ngay giảm 1,59% và giá vàng tương lai giảm 1,92%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Dù có 2 tháng giảm, nhưng nhờ tháng tăng mạnh đầu năm nên trong quý I, giá vàng vẫn giữ đà tăng và quý tăng giá thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong quý I/2019, giá vàng giao ngay tăng 0,75% và giá vàng tương lai tăng 0,47%.

Với tuần giảm mạnh vừa qua, giới phân tích kỳ vọng vào việc giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần mới, dù có sự thận trọng hơn so với tuần trước.

Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, có 9 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 64%, thấp hơn so với con số 71% của tuần trước; có 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 14%, thấp hơn so nhiều so với con số 24% của tuần trước và 3 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 21%, cao hơn nhiều so với mức 6% của tuần trước.

Tương tự, trong 589 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 301 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm  51%, thấp hơn so với con số 68% của tuần trước; 190 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 32%, cao hơn so con số 22% của tuần trước và 98 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 17%.

Diễn biến mới của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,84 USD (+1,40%), lên 60,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+0,83%), lên 68,39 USD/thùng.

Giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,86%, giá dầu thô Brent cũng tăng 2,03% sau khi điều chỉnh nhẹ 0,19% trong tuần trước đó. Tương tự, chứng khoán, giá dầu thô cũng có tháng tăng thứ 3 liên tiếp và tăng trọn trong quý I với mức tăng 5,10% và 3,57% trong tháng 3. Trong quý I, giá dầu thô Mỹ tăng 32,44% và giá dầu thô Brent tăng 30,81%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục