“Kỳ lân công nghệ” Skyscanner “bán mình” cho Trung Quốc

(ĐTCK) Việc Trung Quốc dựng “Vạn lý trường thành” với các hãng công nghệ phương Tây khiến việc thâm nhập thị trường gần 1,4 tỷ dân này cần những cách giải đặc biệt.
“Kỳ lân công nghệ” Skyscanner “bán mình” cho Trung Quốc

Mới đây, Skyscanner, ứng dụng tìm kiếm thông tin du lịch nổi tiếng của Anh, đã được mua lại bởi Ctrip, một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Thỏa thuận này trị giá 1,4 tỷ bảng Anh, tương đương 1,74 tỷ USD.

Được thành lập vào năm 2003 tại Edinburgh (Scotland), Skyscanner là một trong những công cụ tìm kiếm thông tin du lịch có lượng truy cập nhiều nhất thế giới, với khoảng 50 triệu người sử dụng mỗi tháng. Cuối năm ngoái, ứng dụng này đã thu hút được số vốn đầu tư lên tới 128 triệu bảng Anh (192 triệu USD).

Sự kiện này có ý nghĩa như “ánh đèn mở màn”, đưa Skyscanner vào hàng ngũ “kỳ lân công nghệ”. Vậy nên, câu hỏi được đặt ra hiện tại là: Tại sao Skyscanner lại bị bán đi ngay sau khi huy động được nguồn vốn đáng kể mà có thể giúp nó phát triển như một công ty độc lập?

Gareth Williams, CEO Skyscanner cho biết, ban lãnh đạo Công ty đã tính toán kỹ càng trong việc tìm lối đi cho Skyscanner, và sau đó xét thấy các điều khoản trong thương vụ với Ctrip sẽ mang lại nhiều cơ hội cho công ty hơn so với tiến hành IPO. Lý do là dù bị mua lại, nhưng Skyscanner vẫn sẽ được hoạt động một cách độc lập và đội ngũ quản lý hiện nay được giữ nguyên.

Tại Việt Nam, Skyscanner cũng hiện diện với tên miền skyscanner.com.vn

“Việc hoạt động động lập mà Ctrip tạo điều kiện cho Skyscanner là vô cùng hấp dẫn. Lợi thế này, kết hợp với vốn kiến thức lớn và niềm đam mê đối với việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong tìm kiếm thông tin du lịch của phía Ctrip, chính là những lý do khiến cho việc sáp nhập vào công ty này là một tiến triển tất yếu đối với Skyscanner”, Williams phát biểu.

Vị CEO 47 tuổi cũng nói thêm về việc mình đã quen biết với ban lãnh đạo Ctrip trong nhiều năm: “Lần đầu tiên tôi gặp James Liang, một trong những người sáng lập Ctrip  và Jane Sun, CEO của Ctrip khi đó, là cách đây 3 năm. Kể từ đó, chúng tôi đã duy trì liên lạc và có một tầm nhìn chung cho việc Skyscanner có thể phát triển trong tương lai với sự hỗ trợ đắc lực từ Ctrip. Chúng tôi tin rằng, việc hợp tác với Ctrip sẽ giúp Skyscanner thực hiện bước tiếp theo trong cuộc hành trình của mình, không chỉ từ góc độ tài chính, mà quan trọng hơn là mang tới lợi ích lớn hơn cho khách du lịch toàn cầu trong những năm tới”.

Trên thực tế, Skyscanner cũng đã phát triển ở châu Á được một thời gian. Năm 2012, Skyscanner đã hợp tác với Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, để trở thành đối tác tìm kiếm chính thức của Baidu trong việc tìm kiếm các chuyến bay quốc tế. Và ngay trong đợt huy động vốn “khủng” của năm ngoái, Skyscanner cũng đã được một vài nhà đầu tư đáng chú ý rót vốn, điển hình là Yahoo Nhật Bản và Chính phủ Malaysia. Vì vậy, châu Á không phải là một thị trường mới cho ứng dụng này.

Tại Việt Nam, Skyscanner cũng hiện diện với tên miền skyscanner.com.vn

Việc được mua lại bởi một tên tuổi hàng đầu trong ngành du lịch Trung Quốc chắc chắn là một sự sắp xếp có lợi: Skyscanner sẽ có thể đề xuất cung cấp thông tin các khách sạn hiện có của mình vào danh sách của Ctrip.

“Sự hỗ trợ của Ctrip sẽ cho phép chúng tôi mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động và sản phẩm của mình trên toàn cầu”, Williams nói, “Với đòn bẩy là sự đầu tư và am hiểu của Ctrip, chúng tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn về thị trường Trung Quốc và cung cấp nhiều sản phẩm hơn cho thị trường này, nơi mà chúng tôi đã nhìn thấy những thành quả lớn”.

Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp M&A để mở rộng hoạt động của mình ra toàn cầu. Ngược lại, các hãng công nghệ phương Tây chọn cách hợp tác với đối tác Trung Quốc để có thể mở rộng hoạt động và tận dụng lượng khách hàng khổng lồ tại Trung Quốc. Chính vì vậy, bước đi của Skyscanner được coi là “hợp lý”.

Về phía Ctrip, đây được coi như bước khởi đầu để vươn ra thị trường quốc tế của công ty Trung Quốc này. Ctrip là công ty có đóng góp cổ phần từ Baidu và đã niêm yết trên sàn Nasdaq. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch, Ctrip cũng cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay, tàu hỏa, đặt phóng khách sạn trực tuyến. Theo thông tin trên trang web của Ctrip, doanh thu của Công ty đã đạt tới hơn 350 tỷ Nhân dân tệ (50 tỷ USD) trong năm 2015.

James Liang, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Ctrip cho biết: “Thương vụ này sẽ mang tới sự tăng trưởng dài hạn cho cả 2 bên. Skyscanner sẽ giúp tăng cường vị thế của Ctrip trên toàn cầu”.

Trong một thông cáo báo chí được phát hành hôm 23/11 vừa qua, phía Ctrip cho biết, Công ty sở hữu ứng dụng Skyscanner sẽ nhận được phần lớn số tiền từ thương vụ trên bằng tiền mặt. Dự kiến, thời gian 2 bên hoàn tất các thủ tục là vào tháng 12 năm nay.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục