Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Ai là thủ phạm?

Tình hình kinh tế thế giới hiện tại hầu như không còn có thể hoàn toàn kiểm soát được. Vậy ai là thủ phạm?
Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Ai là thủ phạm?

Các công ty thẩm định tài chính “quá đáng”

 

Thủ phạm đầu tiên mà “Le Nouvel Observateur” đề cập chính là các công ty thẩm định tài chính. Cách hành xử của những công ty này là quá đáng như việc Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ từ AAA (mức cao nhất) xuống còn AA+. Theo một chuyên gia, việc hạ điểm này diễn ra không đúng lúc, chỉ vài ngày sau khi lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua nâng trần nợ công, ngay giữa mùa hè và trong giai đoạn cao trào căng thẳng của thị trường trái phiếu. Không những thế, lại dựa trên những số liệu không chính xác. Bởi thế, việc công bố điểm tín nhiệm theo kiểu vừa qua chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, làm chao đảo không chỉ thị trường Mỹ mà còn gây hoang mang cho cả thế giới.

 

Việc các công ty thẩm định có ảnh hưởng quá lớn cũng có ảnh hưởng tiêu cực, khi một đánh giá tín nhiệm của họ có ý nghĩa quyết định đối với số mệnh của một quốc gia. Đối với một quốc gia đang lâm nợ, việc hạ điểm tín nhiệm chẳng những không giúp ích được gì mà còn làm vấn đề thêm trầm trọng, dấy lên sự lo ngại về việc mất khả năng thanh toán. Tờ “Le Nouvel Observateur” ví von giống như một thầy giáo, khi thấy học trò của mình giảm sút trình độ, lại cho thêm những bài toán khó để khiến học trò này trở nên dốt hơn.

 

Ngân hàng “tham lam”

 

Trong bộ phim kinh dị mang tên “Khủng hoảng: sự trở về”, những người hoạt động ngân hàng thủ vai “những tên mafia” tổ chức những canh bạc và đó chính là các thị trường tài chính. Tờ “Le Nouvel Observateur” đặt câu hỏi: Liệu có thể buộc tội tham lam cho một cỗ máy được thiết kế cho việc kiếm tiền trong ngắn hạn? Theo tờ báo, một vài quốc gia đã biết cách điều tiết rất tốt lĩnh vực tài chính, như ở Canada chẳng hạn.

 

Chính giới “bất lực”

 

Những nhà lãnh đạo chính trị giống như đạo diễn của bộ phim kinh dị nói trên. Thế nhưng, họ không hoàn thành tốt vai trò của mình. Một chuyên gia nhận đinh: “Ở Mỹ và châu Âu, các chính phủ từ lâu cứ phó mặc cho các tổ chức tư nhân soạn thảo ra những qui chuẩn kế toán và ngân hàng và thẩm định nợ công các nước, để rồi kéo theo hậu quả như chúng ta đã thấy”.

 

Tờ “Le Nouvel Observateur” đặt câu hỏi: Ai đã tạo ra một chủ nghĩa tư bản được toàn cầu hóa cao độ mà không hề chịu sự giám hộ của một sự quản lí chính trị nào? Từ 30 năm nay, ai đã và đang tin vào câu chuyện ngụ ngôn về khả năng tự điều tiết của thị trường? ... Các nhà chính trị thế giới không rút ra được bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm 2008, nhóm G20 cũng đã quên đi sứ mệnh cải tổ lại hệ thống của mình. Từ hai năm nay, người ta cố cứu các ngân hàng trong khi những ngân hàng này lại hành xử không đúng đắn. Hiện tại vẫn chưa có một quyết tâm chính trị nào để cải thiện tình hình bằng cách tách các hoạt động mang tính thị trường của các ngân hàng ra khỏi các hoạt động ngân hàng thuần túy.

 

Ngay cả lúc "dầu sôi lửa bỏng" nhất, các nhà chính trị cũng không biết đặt lợi ích chung lên hàng đầu, vẫn tiếp tục chia rẻ gây hại đến thị trường. Như ở Mỹ vừa qua, đảng Cộng hòa đã đặt lợi ích đảng phái lên trên mục tiêu phục hồi kinh tế và khắc phục nạn thất nghiệp. Một chuyên gia nhận định rằng, người thuộc đảng Cộng hòa lúc đó làm tất cả để ngăn Tổng thống Obama tái đắc cử.

 

Thêm vào đó, người Mỹ quá tin tưởng vào sức mạnh và sự bền vững của đồng đô la. Còn giới lãnh đạo châu Âu thì không tìm được tiếng nói chung, đến nỗi mà để cho tinh thần xây dựng châu Âu bị đe dọa.


DDDN

Tin cùng chuyên mục