Khó có chuyện CEO cũ bắt nạt CEO mới ở Avon

(ĐTCK) Ngày 10/4/2012, Avon Products Inc, tập đoàn chuyên sản xuất và trực tiếp phân phối các loại hàng mỹ phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ đã quyết định bổ nhiệm bà Sherilyn McCoy, 53 tuổi, nhà quản lý cao cấp của Tập đoàn Johnson & Johnson vào chức Giám đốc điều hành (CEO).
Sherilyn McCoy Sherilyn McCoy

 Bà bắt đầu đảm nhiệm chức vụ mới từ ngày 23/4 tới.

Việc bổ nhiệm bà Sherilyn McCoy vào ghế CEO cũng đồng nghĩa với bà Andrea Jung, 53 tuổi chính thức thôi chức CEO và chỉ còn nắm chức Chủ tịch Avon trước mắt là 2 năm nữa. Đồng thời, tiểu ban tìm kiếm và lựa chọn CEO mới của Avon (được thành lập ngày 13/12/2011) đã chính thức giải tán sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình sau gần 4 tháng hoạt động.

Việc bà Sherilyn McCoy được lựa chọn cũng là bất ngờ với nhiều người, bởi trong danh sách các ứng cử viên ban đầu của Avon không hề có tên bà.

Song ở đời có những chuyện bất ngờ khó tính trước. Đáng lẽ ra vào thời điểm này, bà Sherilyn McCoy đã là CEO của Tập đoàn Johnson & Johnson (Mỹ).

Kể từ năm 1982, bà liên tục làm việc cho Johnson & Johnson, ban đầu với tư cách là cán bộ nghiên cứu, dần dần kinh qua nhiều vị trí quản lý và đến năm 2009, bà được bổ nhiệm vào chức Phó chủ tịch phụ trách Bộ phận dược phẩm và khách hàng, đóng góp tới 60% doanh thu hàng năm của Johnson & Johnson. Chính vì thế, bà đã có tên trong danh sách ngắn các ứng cử viên vào chức CEO của Johnson & Johnson.

Song trong tháng 2 vừa qua, cuối cùng, chiếc ghế CEO lại dành cho ông Alex Gorsky, nên bà nhận thấy đến lúc phải đi tìm bến đỗ mới.

Đúng lúc này, Avon tiếp cận và mời bà vào chức CEO, bà đã nhận lời ngay.

Trong thời gian Avon tìm CEO, bà Andrea Jung chỉ tạm nắm quyền CEO, không có thực quyền.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, lên nắm quyền CEO từ tháng 11/1999, bà Andrea Jung đã tạo nên một cuộc cách mạng đổi mới Avon thực sự trong 6 năm đầu, song từ năm 2008 trở lại đây, doanh thu của Avon, nhất là ở một số thị trường trọng yếu như Nga, Brazil, Mỹ… sụt giảm mạnh và liên tục lỗ. Riêng trong năm 2011, giá cổ phiếu của Avon tại Sở GDCK New York đã giảm 45%. Giá trị vốn hoá thị trường của Avon hiện là 8,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với thời hoàng kim vào tháng 6/2005 (là 21,8 tỷ USD).

Thêm vào đó, cơ quan điều tra liên bang Mỹ đang tiến hành điều tra về cáo buộc hành vi hối lộ của một số nhà quản lý cao cấp của Avon ở Trung Quốc…

Đó là là những lý do chính khiến lãnh đạo Avon muốn thay CEO cũ bằng một nhân vật mới.

Lợi dụng tình hình này, tuần trước, Tập đoàn mỹ phẩm Coty (do Công ty Joh. A. Benckiser GmbH của Đức kiểm soát) đã đưa ra đề nghị mua lại Avon với giá 10 tỷ USD. Ban lãnh đạo và các cổ đông lớn của Avon đã từ chối với lý do giá này còn thấp.

Được thành lập năm 1904 tại Paris, Coty hiện chủ yếu sản xuất nước hoa (mang thương hiệu một số ca sỹ nổi tiếng thế giới như Beyonce, Lady Gaga, Celine Dion…) bán tại 135 thị trường trên thế giới, với doanh thu năm 2011 là 4,1 tỷ USD. 

Đứng trước tình hình này, ngoài những nhiệm vụ chính của một CEO, bà Sherilyn McCoy còn có thêm trách nhiệm mới là phải đối phó với nguy cơ thâu tóm từ Coty.

Một số người am hiểu nội tình Avon còn cho rằng, bà Sherilyn McCoy có thể sẽ gặp không ít khó khăn từ người tiền nhiệm trong việc điều hành, ra quyết định...

Hiểu một cách nôm na về mặt tâm lý là, ma cũ có thể vẫn tìm cách bắt nạt ma mới. Hay nói chính xác hơn là, CEO cũ (nay là Chủ tịch) có thể không ưa CEO mới, khi cùng làm việc, hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, bà Connie Maneaty, chuyên gia phân tích của Hãng BMO Capital Markets ở New York nhận xét, những lo ngại cho rằng, vai trò CEO mới của Sherilyn McCoy sẽ bị lu mờ trước Chủ tịch Andrea Jung là không có cơ sở thực tế và cũng chưa thật logic.

Bà Sherilyn McCoy đã từng là lãnh đạo các bộ phận của J&J năm 2011 có tổng doanh thu 39,4 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần doanh thu của Avon (11,3 tỷ USD). Bà Sherilyn McCoy đang từng làm việc ở tầm cao hơn, nên sức ép về kinh doanh ở Avon chắc chắn sẽ nhẹ hơn.

“Một nhân vật đã từng làm việc ở tập đoàn có quy mô lớn gấp mấy lần Avon thì chắc chắn không chịu chấp nhận đóng vai trò yếu hơn, cho dù còn lạ nước lạ cái”, bà Connie Maneaty nói.

Hơn nữa, Ban giám đốc Avon còn có nhiều người, trong đó có ông Douglas Conant, 60 tuổi cũng vừa được bổ nhiệm. Năm ngoái, ông này vừa nghỉ hưu sau khi đã từng là Chủ tịch kiêm CEO của Campbell Soup Co.

Có trụ sở chính tại New York (Mỹ), Avon hiện đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.   


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục