Kazuo Inamori, vị cứu tinh của JAL

(ĐTCK) Ngày 19/9/2012, Japan Airlines Co. (JAL), hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản đã chính thức trở lại với giới đầu tư nước này (sau 2 năm 8 tháng vắng bóng), khi thực hiện thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Tokyo.
Kazuo Inamori, vị cứu tinh của JAL

Enterprise Turnaround Initiative Corp. (ETIC), doanh nghiệp nhà nước của Nhật Bản (đang sở hữu JAL) đã tung ra bán toàn bộ 175 triệu cổ phiếu (97% vốn điều lệ), với mức giá 3.790 yên/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 19/9 tại Sở GDCK Tokyo, giá cổ phiếu của JAL chỉ tăng nhẹ 1,8%, từ mức 3.790 yên/cổ phiếu (48 USD/cổ phiếu) lúc chào sàn lên 3.860 yên (49,07 USD/cổ phiếu) vào thời điểm đóng cửa. Như vậy, IPO của JAL có giá trị tới 663 tỷ yên (8,5 tỷ USD), là IPO lớn thứ hai trên thế giới trong năm nay, chỉ sau IPO của Facebook (16 tỷ USD).

Xét về giá trị vốn hoá thị trường, JAL hiện là hãng hàng không lớn thứ 3 châu Á, chỉ sau Singapore Airlines (Singapore) và Air China (Trung Quốc).

Đây có thể xem thành công chung của JAL, trong đó không thể không nói đến vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định của ông Kazuo Inamori, 80 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) của JAL. Ngay sau khi thực hiện IPO thành công, ông Kazuo Inamori đã chính thức rời ghế CEO, nhường lại cho lớp trẻ. Ông đã được lãnh đạo JAL tôn vinh là Chủ tịch danh dự.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, có thể coi ông Kazuo Inamori là người hùng hay là vị cứu tinh của JAL, khi đã 80 tuổi, mà còn thực hiện được nhiệm vụ được coi là bất khả thi. Đó là đem lại sự hồi sinh của một trong những hàng hàng không lớn và có uy tín ở châu Á.

Vào ngày 19/1/2010, JAL đã buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo luật pháp của Nhật Bản. Với khoản nợ lên tới 2.320 tỷ yên, đây là vụ phá sản có quy mô lớn nhất (ngoài lĩnh vực tài chính) ở Nhật Bản kể từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ II. Lúc đó, Chính phủ Nhật Bản (thông qua ETIC) đã phải ra tay cứu JAL bằng việc bỏ tiền ra mua lại. Tuy nhiên, việc chọn người lãnh đạo dám đứng mũi chịu sào vào lúc con tàu có nguy cơ đắm là cả bài toán cực khó. Ông Kazuo Inamori là người được ETIC lựa chọn để cứu JAL khỏi tai hoạ và trên thực tế, ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò CEO trong suốt giai đoạn bảo hộ phá sản.

Lên nắm quyền, ông đã mạnh tay cắt giảm tới 16.000 lao động (khoảng 30% tổng số lao động của JAL); huỷ bỏ các đường bay không đem lại lợi nhuận; loại đi các máy bay cũ, tốn nhiên liệu… Ông đã vạch ra kế hoạch đến cuối năm 2016, mua 29 máy bay đời mới Boeing 787 Dreamliners của Hãng Boeing (Mỹ); dự định mở đường bay quốc tế mới từ Tokyo đi Boston, San Diego (Mỹ) và Helsinki (Phần Lan) trong năm nay và năm 2013…

Dưới sự lãnh đạo của ông, sau nhiều năm liên tục lỗ, trong năm tài chính 2010 (kết thúc vào ngày 31/1/2011), JAL đã có lãi trở lại, với lợi nhuận trước thuế đạt 188,4 tỷ yên. Trong năm tài chính 2011 (kết thúc vào ngày 31/3/2012), JAL đã có lợi nhuận trước thuế là 204,9 tỷ yên, vượt xa so với mức lãi 97 tỷ yên của đối thủ All Nippon Airways Co. (ANA).

Ông Mitsuru Miyazaki, Trưởng bộ phận phân tích của SMBC Friend Research Center cảnh báo, IPO thành công mới chỉ là bước khởi đầu với JAL, với việc ông Kazuo Inamori ra đi sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, JAL có rất nhiều việc phải làm để lấy lại uy tín và thương hiệu.

Ông Hirotaka Yamauchi, giáo sư Đại học Hitotsubashi, chuyên gia về vận tải nhận xét, Chính phủ Nhật Bản đã quá ưu ái khi miễn, giảm 500 tỷ yên tiền thuế cho JAL, tuy giúp JAL, nhưng lại phần nào làm méo mó môi trường kinh doanh trong lĩnh vực hàng không. “Hơn nữa, nhiều cổ đông, chủ nợ và cả nhân viên mất việc trong quá khứ đã phải chịu thiệt thòi, mất mát lớn. Có được như hôm nay, JAL cũng không được quên đến điều này”, ông Hirotaka Yamauchi nói.

Và tất nhiên JAL cũng không bao giờ được quên công lao của vị cứu tinh Kazuo Inamori.

Ông Kazuo Inamori đã tốt nghiệp Đại học Kagoshima với bằng cử nhân hoá học ứng dụng vào năm 1955. Năm 1959, khi mới 27 tuổi, ông đã đứng ra thành lập công ty riêng có tên là Kyoto Ceramic Co., Ltd. (nay là Kyocera  Corporation), công ty sản xuất tế bào năng lượng mặt trời và thiết bị điện tử.

Năm 1984, ông lại lập ra một công ty mới nữa là DDI Corporation (sau này hình thành ra KDDI, tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản, sau NTT Docomo). Ngoài ra, ông còn lập ra Inamori Foundation, một quỹ hoạt động phi lợi nhuận, chuyên hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, công nghệ tiên tiến... Từ năm 1997, ông đã trở thành một thầy tu.

Mokurai Bukkokuji, 71 tuổi, một thầy tu đã quen biết ông Kazuo Inamori nhiều năm nay nhận xét: “Ông là người có trái tim nhân hậu, nhưng cũng biết điều khiển mọi thứ theo cách riêng của mình và có thể đưa ra những quyết định hết sức cứng rắn. Ông là một nhà lãnh đạo quyết đoán”.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục