IPO Công ty mẹ của TikTok chịu nhiều áp lực

(ĐTCK) ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video đình đám TikTok cho biết, Tập đoàn đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống hoạt động tại thị trường quốc tế trước khi cân nhắc IPO. Tuy nhiên, có lẽ ByteDance nên suy nghĩ tới chuyện IPO sớm hơn.
IPO Công ty mẹ của TikTok chịu nhiều áp lực

ByteDance hiện là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) lớn nhất thế giới, với giá trị 75 tỷ USD trong lần định giá gần nhất.

TikTok là ứng dụng thành công nhất của Công ty, dù ByteDance còn sở hữu một loạt ứng dụng mạng xã hội, tin tức khác. Theo số liệu tự công bố vào tháng 7/2019, hệ sinh thái ứng dụng của ByteDance đang có 1,5 tỷ người dùng hàng tháng.

Chi tiết về kế hoạch và nơi thực hiện IPO của ByteDance vẫn chưa được công bố rõ ràng. Tờ Financial Times cho biết, Công ty dự định lựa chọn thị trường giao dịch chứng khoán Hồng Kông để tiến hành IPO vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, sau đó, ByteDance đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg News, Hồng Kông và New York là hai lựa chọn đang được ByteDance cân nhắc và việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại nước ngoài vẫn đang ở bước sơ khởi.

Theo giới chuyên gia, việc IPO sớm sẽ có lợi và an toàn cho ByteDance hơn so với trì hoãn kế hoạch này.

Hồng Kông có thể là lựa chọn thông minh trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa kết thúc, nhất là khi nước Mỹ đang có thái độ không tích cực với doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng hạn trường hợp của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co, công ty cung cấp thiết bị trí thông minh nhân tạo Megvii Technology Ltd.

Ngay cả khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bình ổn trở lại thì các vấn đề liên quan tới an ninh và “bầu không khí chính trị” cũng không sớm hạ nhiệt.

Hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ở giữa làn đạn bởi các xung đột thương mại, chính trị giữa hai quốc gia.

Đáng chú ý, không loại trừ khả năng ByteDance sẽ bị giới chức Mỹ điều tra các hoạt động tại thị trường này, khi trong ngày 23/10, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ và hợp tác với cơ quan tình báo của quốc gia này, trong đó có nhắc trực tiếp tới TikTok.

“Với hơn 110 triệu lượt tải về riêng tại Mỹ, TikTok có khả năng trở thành mối đe doạ phản gián mà chúng ta không thể ngó lơ”, báo cáo cho biết.

Những thông tin này chắc chắn tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, nhất là khi ByteDance đang có nhiều hoạt động tại thị trường Mỹ.

Hiện tại, các thành viên thị trường vẫn đang băn khoăn không biết TikTok có thể thu lợi bao nhiêu từ các video ngắn của mình, hay Công ty thu thập được lượng dữ liệu lớn tới mức nào thông qua ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao…

Bên cạnh đó, nhà đầu tư không thể bỏ qua việc mới đây, ứng dụng Musical.ly, vừa được mua lại bởi TikTok, đã bị Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ xử phạt vì thu thập trái phép thông tin từ trẻ em.

Chưa kể, một lý do khiến các thành viên thị trường tin rằng ByteDance sẽ sớm lên sàn, đó là sự hiện diện của nhà đầu tư SoftBank Group Corp.

Công ty đầu tư Nhật Bản này đã tham gia vòng gọi vốn mới nhất của ByteDance, giúp giá trị của Công ty vượt qua cả Didi, hãng dịch vụ chia sẻ xe đình đám tại Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, Quỹ Vision Fund của SoftBank không thu được những kết quả như mong đợi ngay cả khi các “con cưng” như Uber Technologies Inc và Slack Technologies Inc đã lên sàn.

Diễn biến giá cổ phiếu tiêu cực của Uber và Slack, cùng các vấn đề nổi cộm tại WeWork mới đây khiến SoftBank đặt kỳ vọng lớn hơn vào chiến thắng từ ByteDance, từ đó phần nào bù đắp những thiệt hại hiện tại. SoftBank sẽ muốn ByteDance IPO sớm hơn và có chiến lược mở rộng thị trường bài bản hơn.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục