IMF mạnh tay nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 29/10 đã thông báo nâng dự báo tăng trưởng GDP khu vực châu Á trong năm nay và năm tới. Động thái này của IMF là một bằng chứng nữa cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế châu Á khỏi suy thoái trong mấy tháng gần đây.
Theo IMF, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng 8,5% trong năm nay và 9% trong năm 2010 - Ảnh: Getty Images. Theo IMF, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng 8,5% trong năm nay và 9% trong năm 2010 - Ảnh: Getty Images.

Theo IMF, toàn bộ khu vực châu Á, gồm cả Nhật Bản, Australia và New Zealand, sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 5,8% trong năm 2010. Cả hai con số dự báo mà IMF đưa ra lần này đều tăng khoảng 1,5% so với mức dự báo mà cơ quan này công bố hồi tháng 5.

 

“Trước đây, suy thoái kinh tế Mỹ đã khiến tăng trưởng GDP của châu Á giảm mạnh, thì tới nay, khi kinh tế Mỹ dần trở lại trạng thái bình thường, GDP của châu Á cũng phục hồi mạnh theo. Vì vậy, sự phục hồi của các hoạt động kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ nhất tại các nền kinh tế châu Á hướng ra xuất khẩu. Đây cũng là những nền kinh tế đã chịu tác động tiêu cực nhất từ suy thoái toàn cầu ở thời điểm cuối năm 2008”, IMF nhận định trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, công bố ngày 29/10.

 

IMF cho rằng: “Trong thời gian tới, hoạt động làm đầy hàng tồn kho tại châu Á và trên phạm vi toàn cầu, cùng với các hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế khu vực. Khi các hãng bán lẻ Mỹ tăng hàng tồn kho, các nhà xuất khẩu châu Á sẽ phục hồi theo. Quá trình này sẽ còn kéo dài một thời gian, vì nhập khẩu của Mỹ hiện còn đang ở mức thấp bất thường so với mức doanh số bán lẻ ở nước này, cho thấy các hãng bán lẻ sẽ tăng đặt hàng để có thêm nguồn cung”.

 

Theo IMF, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng 8,5% trong năm nay và 9% trong năm 2010. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 5,4% trong năm 2009 này và 6,4% trong năm tới.

 

Ngược lại, kinh tế  Nhật Bản sẽ đuối sức so với các nền kinh tế hàng đầu khác trong khu vực. IMF dành cho nền kinh tế này mức dự báo suy giảm 5,4% trong năm nay và mức tăng trưởng khiêm tốn 1,7% trong năm 2010.

 

Báo cáo của IMF cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 5,3% trong năm 2010, tăng lần lượt 1,3% và 1,4% so với dự báo công bố hồi tháng 5. Đặc biệt, các mức dự báo tăng trưởng mà IMF dành cho Việt Nam là cao nhất trong nhóm nước ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

 

Việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á thể hiện quan điểm đồng nhất với các định chế và ngân hàng hàng đầu thế giới khác. Giới quan sát gần đây đã đồng loạt điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của châu Á trước sự phục hồi nhanh hơn dự kiến đang diễn ra ở khu vực này.

 

Tháng trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm nay, cao hơn 1,2% so với mức dự báo hồi tháng 3, và tăng trưởng 8,9% trong năm tới. ADB cũng cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, từ mức dự báo 3,4% trước đó.

 

Tuy nhiên, theo IMF, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế châu Á trong năm tới vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với những gì mà nền kinh tế khu vực đã đạt được trong những năm gần đây. Lý do ở đây là kinh tế thế giới vẫn đang phải gồng mình để vượt qua hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế từ sau vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers cách đây hơn 1 năm.

 

Nhưng dù sao, sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi nhanh của khu vực châu Á, đã thổi bùng một cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách trong những tuần gần đây về thời điểm và tốc độ cho việc rút lui khỏi các biện pháp kích thích kinh tế. Trong thời gian khủng hoảng và suy thoái, chính phủ các nước đã tung ra một loạt biện pháp mạnh gồm cắt giảm lãi suất, các gói kích thích kinh tế lớn, các gói giải cứu cho ngân hàng và doanh nghiệp…

 

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Australia đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tiến hành lãi suất. Ngân hàng Trung ương Nauy ngày 28/10 cũng đã tăng lãi suất trở lại.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích của IMF cho rằng, quá trình hậu kích cầu này là một công việc hết sức nhạy cảm mà ở đó, các quốc gia cần cân nhắc sự cần thiết phải rút lui khỏi các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trước khi các áp lực về lạm phát và thâm hụt ngân sách gia tăng.

 

“Xác định được đúng điểm cân bằng sẽ là một công việc khó. Nhưng chìa khóa ở đây là rõ ràng: các nhà hoạch định chính sách cần chắc chắn là nhu cầu của khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước đã đủ mạnh hay chưa để trở thành động lực chính của sự phục hồi trong trường hợp nhu cầu của khu vực công được giảm xuống”, IMF nhận định.


VNE (New York Times)

Tin cùng chuyên mục