IMF cảnh báo nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng, các chính phủ đang tạo nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ khi cố gắng dùng công cụ tỷ giá để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước.
BoJ ngày 5/10 đã hạ lãi suất về 0-0,1%. Đồng Yên đã giảm giá so với USD sau quyết định này của BoJ - Ảnh: Getty BoJ ngày 5/10 đã hạ lãi suất về 0-0,1%. Đồng Yên đã giảm giá so với USD sau quyết định này của BoJ - Ảnh: Getty

>> "Chiến tranh tiền tệ thế giới đang nổ ra"

>> Mỹ phủ nhận nguy cơ chiến tranh tiền tệ

>> Các đồng tiền vào cuộc đua giảm giá?

“Rõ ràng là ý tưởng sử dụng đồng tiền như một thứ vũ khí chính sách đang lan rộng”, ông Strauss-Kahn phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times. Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày 4/10, nhưng tới ngày 6/10 mới được tờ báo này đăng tải.

 

“Nếu được biến thành hành động, ý tưởng như vậy sẽ tạo ra một rủi ro rất lớn đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu… Cách làm như thế sẽ tạo ra tác động tiêu cực và gây tổn thất rất lớn trong dài hạn”, ông Strauss-Kahn nói.

 

Nhận định trên của người đứng đầu IMF được đưa ra trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 5/10 hạ lãi suất về 0-0,1% và thúc đẩy chính sách nới lỏng định lượng bằng cách lập một quỹ trị giá 60 tỷ USD để mua tài sản trên thị trường.

 

Đồng Yên đã giảm giá so với USD sau quyết định này của BoJ. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và giá vàng trên thị trường thế giới đồng loạt leo thang mạnh do giới đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương tại những nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bước vào một đợt nới lỏng cung tiền mới.

 

Trong vài tuần gần đây, nhiều nền kinh tế lớn đã áp dụng một số biện pháp nhằm giảm áp lực tăng giá đối với đồng nội tệ. Chính phủ Nhật đã có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên sau 6 năm. Brazil thì đe dọa can thiệp để giảm giá đồng Real và đầu tuần này đã tăng gấp đôi thuế đánh vào các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu của nước này nhằm mục đích cản dòng vốn chảy vào. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Guido Mantega đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc chiến tranh tiền tệ.

 

“Chúng ta đã đọc nhiều thông tin về việc một số nền kinh tế đang nổi lên - những nền kinh tế có dòng vốn lớn đổ vào - cho rằng có thể đã đến lúc họ nên sử dụng đồng nội tệ như một công cụ để giành ưu thế, đặc biệt ở phương diện thương mại. Tôi không cho rằng đó là một giải pháp tốt”, ông Strauss-Kahn nhận xét.

 

Những phát biểu trên của ông Strauss-Kahn được đưa ra trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington, Mỹ, vào cuối tuần này. Giới phân tích dự báo, tại cuộc họp lần này, các chủ đề về nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn và những mất cân đối trong cán cân vãng lai, cũng như chuyện tỷ giá, sẽ là những chủ đề được bàn thảo nhiều nhất.

 

Vào ngày 5/10, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, có sự khác biệt quan điểm giữa họ với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo xung quanh vấn đề tỷ giá trong những cuộc tiếp xúc tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) diễn ra tại Brussels, Bỉ. Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm bộ trưởng bộ tài chính khối Eurozone cho biết, theo quan điểm của châu Âu, đồng Nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

 

Trước đó, trong chuyến thăm Hy Lạp, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc sẽ mua trái phiếu Hy Lạp, đồng nghĩa với thái độ tin tưởng của Bắc Kinh vào khả năng thoát nguy cơ vỡ nợ của Athens. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu Trung Quốc tăng cường mua trái phiếu của khu vực Eurozone, đồng Euro sẽ tăng giá so với Nhân dân tệ, theo đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng châu Âu với hàng Trung Quốc.


VNE

Tin cùng chuyên mục