Hy vọng trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Đang từ trạng thái lo âu, đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán, hy vọng đã trở lại với giới đầu tư trong phiên cuối tuần (10/5) sau thông tin từ Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc khiến phố Wall chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, vào cuối ngày, sau khi vòng đàm phán kéo dài 2 ngày tại Washington kết thúc, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, cuộc đàm phán mang tính xây dựng và Mỹ cho Trung Quốc 1 tháng để kết thúc đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại đã giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại và cùng chốt phiên trong sắc xanh.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones tăng 114,01 điểm (+0,44%), lên 25.942,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,68 điểm (+0,37%), lên 2.881,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,35 điểm (+0,08%), lên 7.916,94 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones vẫn không thoát khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều tuần trước đó do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, còn S&P 500 và Nasdaq có mức giảm phần trăm theo tuần lớn nhất trong năm. Cụ thể, trong tuần Dow Jones giảm 2,12%, S&P 500 cũng đảo chiều giảm 2,18% sau 2 tuần tăng liên tiếp và Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh 3,03%.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu phòng thủ đã giúp thị trường hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước căng thẳng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, chứng khoán Đức tăng khá mạnh nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Thyssenkrupp khi nhà sản xuất thang máy công bố kết quả kinh doanh tốt và bắt tay vào tái cấu trúc.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,12 điểm (-0,06%), xuống 7.203,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 85,91 điểm (+0,72%), lên 12.059,83 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 14,29 điểm (+0,27%) lên 5.327,44 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng không thoát khỏi tuần giảm mạnh dù hồi phục trong phiên cuối tuần. Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,40%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp, CAC 40 cũng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi mất 3,99%, trong khi DAX chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm 2,84%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp do nhà đầu tư phản ứng với việc Mỹ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại nhảy vọt nhờ lực mua từ các quỹ được Nhà nước hậu thuẫn. Tín hiệu từ chứng khoán đại lục cũng kéo chứng khoán Hồng Kông hồi phục trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc không bình luận về thông tin các quỹ do Nhà nước hậu thuẫn xuống tiền giải cứu thị trường.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 57,21 điểm (-0,27%), xuống 21.344,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 88,26 điểm (+3,1%), lên 2.939,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,17 điểm (+0,84%), lên 28.550,24 điểm.

Với chuỗi phiên giảm liên tiếp, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 4,11% sau khi trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ 10 ngày. Trong khi đó, dù tăng vọt trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Trung Quốc vẫn có tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi chỉ số Shanghai Composite mất tới 4,52%, trong khi chỉ số Hang Seng đảo chiều giảm mạnh 7,31% trong tuần qua sau khi hồi phục 4,04% trong tuần trước.

Trên thị trường vàng, dù các thông tin từ cuộc chiến thương mại khiến chứng khoán biến động mạnh, nhưng giá vàng lại gần như chỉ đi ngang trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 10/5, giá vàng giao ngay tăng 2,4 USD (+0,19%), lên 1.285,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,6 USD (+0,13%), lên 1.286,8 USD/ounce.

Với lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang đã giúp giá vàng hồi phục nhẹ trở lại trong tuần qua, lấy lại được gần hét những gì đã mất trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,57% và giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,52%.

Theo các chuyên gia, một giai đoạn thị trường đi ngang là dấu hiệu của một thị trường không chắc chắn nên đi theo hướng nào tiếp theo. Chính vì thế, trong cuộc khảo sát tuần này, đa số nhà  đầu tư và các nhà phân tích đều có cái nhìn thận trọng về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 19 chuyên gia trả lời, có 7 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 37%, cao hơn mức 33% của tuần trước. Đây cũng là con số dự báo giá vàng đi ngang. Trong khi đó, có 5 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 26%, thấp hơn con số 33% của tuần trước đó.

Trong khi đó, trong 419 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 221 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 53%, cao hơn con số 43% của tuần trước, 129 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 31%, thấp hơn con số 31% của tuần trước và 69 người dự báo giá đi ngang, chiếm 16%.

Trong khi đó, giá dầu lại ít biến động trong phiên cuối tuần và đóng cửa trái chiều nhau. Dù vậy, giá nhiên liệu này tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 10/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,04 USD (-0,06%), xuống 61,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,23 USD (+0,33%), lên 70,62 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45%, giá dầu thô Brent giảm 0,32%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục