Hơn 20 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 20 triệu ca nCoV, hơn 737.000 người chết, nhiều nước phải áp lệnh tái phong tỏa do làn sóng Covid-19 lần hai.
Binh sĩ Brazil khử trùng xe buýt ở thành phố Curitiba hôm 10/8. Ảnh: AFP. Binh sĩ Brazil khử trùng xe buýt ở thành phố Curitiba hôm 10/8. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 20.229.983 ca nhiễm và 737.640 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 230.945 và 4.503 ca sau 24 giờ, trong khi 13.037.302 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.244.909 ca nhiễm và 166.082 người chết, tăng lần lượt 49.559 và 520 ca so với một ngày trước đó.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), cho rằng khoảng 300.000 người Mỹ sẽ chết vì nCoV vào cuối năm nay nếu tình hình dịch không chuyển biến tích cực.

Ít nhất 27 bang trên toàn nước Mỹ đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 101.752 sau khi ghi nhận thêm 616 trường hợp.

Ca nhiễm tại nước này tăng 21.888 trong 24 giờ qua, lên 3.057.470. Giới chuyên gia cho rằng số liệu Covid-19 thực tế ở Brazil còn cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Bùng phát Covid-19 ở Brazil không có dấu hiệu chậm lại khi đã bước sang tháng thứ sáu. Tuy nhiên, nước này vẫn mở cửa trở lại để cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7 và cho phép d khách từ mọi quốc gia nhập cảnh, miễn họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi.

Mexico, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh, báo cáo 480.278 ca nhiễm và 52.298 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.376 và 292 trường hợp.

Nhiều người chỉ trích giới chức Mexico tiến hành không đủ số xét nghiệm cần thiết để xác định ca nhiễm và tử vong thực tế do nCoV.

Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador quyết bảo vệ biện pháp chống Covid-19 của chính phủ cũng như loại trừ khả năng thay đổi chiến lược.

Toàn bộ trường học tại Mexico vẫn đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

Chile ghi nhận 375.044 ca nhiễm và 10.139 ca tử vong, tăng lần lượt 1.988 và 62 trường hợp so với hôm trước.

Các trường học, nhà hàng và quán bar vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 563.598 ca nhiễm và 10.621 ca tử vong, tăng lần lượt 3.739 và 213 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong do nCoV ở nước này tương đối thấp, chỉ khoảng 1,8% , thấp hơn rất nhiều so với các vùng dịch lớn khác.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 70 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.001. Số ca nhiễm tăng thêm 5.118, lên 892.654. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Nga từ đầu tháng 8 bắt đầu nối lại đường bay quốc tế với Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Họ triển khai xét nghiệm nhanh nCoV ở những sân bay lớn nhất Moskva gồm Sheremetyevo, Vnukovo và Domodedovo.

Tây Ban Nha hiện ghi nhận 370.060 ca nhiễm và 28.576 ca tử vong, tăng lần lượt 2.873 và 73 trường hợp so với hôm qua.

Sau một tháng yên bình, số ca nhiễm nCoV tại nước này đang tăng vọt khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, với 280 ổ dịch trên cả nước. Vùng Catalonia và Aragon chứng kiến tình trạng gia tăng nghiêm trọng nhất trong vài tuần qua.

Diễn biến đáng lo ngại tại Tây Ban Nha thúc đẩy chính phủ Anh và Đức khuyến cáo công dân tránh tới các hòn đảo và bãi biển Tây Ban Nha để nghỉ mát, dù Madrid khẳng định đây "không phải làn sóng thứ hai".

Anh báo cáo thêm 816 ca nhiễm và 21 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 311.641 và 46.526. Theo báo cáo của viện Khoa học Y khoa Anh, trong trường hợp xấu nhất, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9/2020 tới tháng 6/2021.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo người dân không nên lầm tưởng mối nguy hiểm về dịch bệnh đã qua và không loại trừ khả năng tái phong tỏa toàn quốc.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 189 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 18.161. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.132, lên tổng cộng 328.844 ca.

Số liệu chính thức cho thấy xu hướng ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.257 ca nhiễm và 32 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 289.974 và 3.199 ca. Hải quan Arab Saudi đang triển khai chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt để xác định hành khách nhiễm nCoV sau khi nước này nối lại đường bay quốc tế.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 53.016 ca nhiễm và 887 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.267.153 và 45.353. Trước đó, các điểm nóng Covid-19 tại Ấn Độ tập trung ở New Delhi và Mumbai, nơi có những khu ổ chuột lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, nơi 70% người Ấn Độ sinh sống, cũng trở thành những vùng dịch mới.

Trung Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 136.638 ca nhiễm và 2.294 ca tử vong, tăng lần lượt 6.958 và 24 ca trong 24 giờ qua.

Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan bị tái áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Tổng thống Rodrigo Duterte quyết không mở cửa trường học cho đến khi có vaccine. Ông cũng xin lỗi người dân Manila vì không còn tiền viện trợ cho họ và kêu gọi đội ngũ y tế tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh.

Indonesia ghi nhận 127.083 ca nhiễm, tăng 1.687 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.765 người chết, tăng 42 ca.

Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy. Các trung tâm mua sắm cũng được phép mở cửa trở lại từ giữa tháng 6.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.292 người nhiễm, tăng 188 ca, trong đó 27 người chết. Nước này đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cảnh báo nCoV không hoạt động theo mùa và cảnh báo đại dịch sẽ bùng phát trở lại nếu ngành y tế các nước lơi lỏng cảnh giác. Ông cũng kêu gọi khu vực Tây Âu và nhiều nơi khác phản ứng nhanh với các đợt dịch mới.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục