Goldman Sachs và Citigroup khiến Phố Wall “tắt lịm”

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh thất vọng của Goldman Sachs và Citigroup đã khiến đà hưng phấn của Phố Wall tắt lịm trong phiên giao dịch ngày 16/1.
Kết quả kinh doanh nghèo nàn của Goldman Sachs và Citigroup khiến Phố Wall đảo chiều - Ảnh: Reuters Kết quả kinh doanh nghèo nàn của Goldman Sachs và Citigroup khiến Phố Wall đảo chiều - Ảnh: Reuters
Phố Wall đã có 2 phiên hứng khởi bởi kết quả kinh doanh của các ngân hàng, giúp S&P 500 lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên 15/1. Tuy nhiên, cũng chính kết quả của khối này đã khiến chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm trong phiên 16/1.

Sau kết quả khả quan của Bank of America Corp và trước đó là JP Morgan Chase và Wells Fargo, nhiều người kỳ vọng vào một mùa báo cáo kết quả kinh doanh tưng bừng của các ngân hàng và do đó sẽ giúp chứng khoán bay cao, thiết lập các mốc cao lịch sử mới để bù đắp những gì đã mất trong những phiên giao dịch đầu năm.

Tuy nhiên, không như kỳ vọng của giới đầu tư, kết quả kinh doanh của Goldman Sachs và Citigroup được công bố hôm qua đã gây thất vọng cho nhiều người. Cụ thể, lợi nhuận của Goldman Sachs giảm 21% so sự sụt giảm của mảng trái phiếu, trong khi Citigroup dù không sụt giảm, nhưng cũng không đạt được mức kỳ vọng trước đó của giới đầu tư.

Kết quả kinh doanh nghèo nàn của 2 đại gia ngân hàng đã khiến Phố Wall quay đầu giảm điểm sau  phiên hưng phấn ngày thứ Tư. Trong đó, cổ phiếu của Goldman Sachs giảm 2%, xuống 175,17 USD/cổ phiếu. Đây là mã gây tác động tiêu cực nhất lên chỉ số Dow Jones. Trong khi đó, cổ phiếu Citigroup thậm chí còn giảm mạnh hơn, 4,4%, xuống 52,6 USD/cổ phiếu và là mã gây tác động tiêu cực nhất lên chỉ số S&P 500.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/1, chỉ số Dow Jones giảm 64,93 điểm (-0,39%), xuống 16.417,01 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 2,49 điểm (-0,3%), xuống 1.845,89 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng nhẹ 3,81 điểm (+0,09%), lên 4.218,69 điểm.

Ngoài kết quả kinh doanh yếu kém của 2 đại gia ngân hàng, đóng góp vào sự sụt giảm của Phố Wall trong phiên 16/1 còn có nhiều tên tuổi lớn khác như Intel, America Express, Best Buy khi cũng có kết quả kinh doanh thất vọng.

Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận những thông tin tích cực khi dữ liệu thất nghiệp của Mỹ trong tháng được điều chỉnh giảm 2.000 so với dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy, sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng việc làm trong tháng 12 có thể chỉ là tạm thời .

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1, trong khi  khi chỉ số CPI lõi (không kể giá lương thực và năng lượng), chỉ tăng nhẹ 0,1%, cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới không phỉa đối mặt với áp lực lạm phát. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia cho biết, chỉ số hoạt động kinh doanh của bang này đứng ở mức 9,4 điểm trong tháng 1, so với 6,4 trong tháng 12/2013.

Cũng giống như khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh giảm nhẹ trở lại sau 4 phiên tăng liên tiếp do tác động không khả quan từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố.

Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số bán lẻ của khu vực giảm 0,7%, phản ánh đúng kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực, như lợi nhuận của nhà bán lẻ lớn thứ 2 thế giới Cerrefour giảm 3,7%, các nhà bán lẻ khác như Ahold, Dixons and Primark đều giảm doanh thu.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số FTSE tại Anh giảm 4,44 điểm (-0,07%), xuống 6.815,42 điểm. Chỉ số DAX giảm 16,10 điểm (-0,17%), xuống 9.717,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,8 điểm (-0,3%), xuống 4.319,27 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong phiên thứ Năm nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên giao dịch trước đó của chứng khoán Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản chịu áp lực chốt lời khi chỉ số Nikkei 225 chạm tới mức kháng cự 15.950 điểm, nên đã quay đầu giảm nhẹ.

Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 61,53 điểm (-0,39%), xuống 15.747,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 84,41 điểm (+0,37%), lên 22.986,41 điểm. Chỉ số Shang hai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,35 điểm (+0,02%), lên 2.023,7 điểm.

Đi ngược với thị trường chứng khoán, giá vàng đã chấm dứt chuỗi phiên giảm liên tiếp trong phiên 16/1. Mọi dự đoán đều cho rằng, giá kim loại quý sẽ tiếp tục giảm, bởi dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan và khả năng FED sẽ cắt giảm và dẫn tới chấm dứt gói QE3. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 16/1, giá vàng chỉ đi ngang trong suốt phiên và kết thúc phiên với mức tăng rất nhẹ so với đóng cửa phiên trước, kết thúc 2 phiên giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 16/1, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 0,7 USD, lên 1.242,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tại thị trường Comex tăng 1,9 USD, lên 1.240,2 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu cũng hạ nhiệt trở lại sau 2 phiên tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ dữ liệu kinh tế tích cực. Kết thúc phiên 16/1, giá dầu thô trên thị trường New York giảm 0,2 USD (-0,21%), xuống 93,97 USD/thùng, giá dầu Brent tăng nhẹ 0,07 USD (+0,07%), lên 107,20 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục