Giữa thương chiến, nhìn lại điều đã khiến kinh tế Nga suy thoái năm 2015

(ĐTCK) Một nghiên của các nhà kinh tế vừa công bố cho thấy, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt từ năm 2014 đã ảnh hưởng xấu tới kinh tế Nga, nhưng không phải là tác nhân chính khiến nền kinh tế này suy thoái và lao đao trong năm 2015.
Giữa thương chiến, nhìn lại điều đã khiến kinh tế Nga suy thoái năm 2015

Suy thoái bắt đầu trước cả khi các lệnh trừng phạt

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Viện Kinh tế Cộng hòa Séc (CERGE-EI) Anna Pestova và Mikhail Mamonov vừa công bố nghiên cứu “Những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt tài chính đối với nền kinh tế Nga có đáng lo ngại không?”.

Theo các chuyên gia này, năm 2014, Mỹ và EU bắt đầu thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế Moscow do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga, nhưng không phải là chất xúc tác chính cho suy thoái kinh tế.

"Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhưng không phải là động lực duy nhất đằng sau cuộc khủng hoảng", các tác giả của bài nghiên cứu lưu ý.

Suy thoái kinh tế bắt đầu khoảng một năm trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đã được nhìn thấy từ năm 2014, khi tăng trưởng GDP của Nga năm này chỉ đạt 0,7% (so với 3,7% vào năm 2012 và 1,8% vào năm 2013).

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, sự chậm lại trong nền kinh tế Nga tại thời điểm đó chủ yếu là do các vấn đề về cơ cấu và xu hướng nhân khẩu học tiêu cực, quy định quá mức, cũng như môi trường kinh doanh yếu.

Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế các công ty Nga vay vốn bên ngoài, do đó, trong năm 2014 - 2015, khối lượng nợ nước ngoài của doanh nghiệp đã giảm 25%.

Đồng thời, ở thời điểm đó, giá dầu giảm mạnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Nga, do xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm 70% giá trị xuất khẩu của Nga.

Tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế tương đối nhỏ, nhưng vẫn có ảnh hưởng đối với hầu hết các chỉ số kinh tế. Năm 2014, tăng trưởng GDP giảm do lệnh trừng phạt là 0,43 điểm phần trăm và vào năm 2015 là 0,74 điểm phần trăm.

Điều này có nghĩa, trong năm 2014 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga thực đã giảm 1,62% nhưng nếu không có lệnh trừng phạt, mức giảm sẽ là 0,45%. Lệnh trừng phạt đã làm giảm 1,17 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, thiệt hại của nền kinh tế từ các lệnh trừng phạt nếu quy về tiền ước tính hơn 800 tỷ rúp (khoảng 26 tỷ USD - giá năm 2011).

“GDP của Nga đã tăng 0,7% năm 2014 và giảm 2,3% trong năm 2015, chúng tôi kết luận rằng, nền kinh tế Nga sẽ bước vào suy thoái ngay cả khi không có lệnh trừng phạt. Nếu các lệnh trừng phạt không được áp dụng đối với Nga, tăng trưởng GDP năm 2014 có thể là 1,2% và mức giảm trong năm 2015 là 1,6%”, các chuyên gia cho biết trong bài nghiên cứu.

Giữa thương chiến, nhìn lại điều đã khiến kinh tế Nga suy thoái năm 2015 ảnh 1

Các lệnh trừng phạt có tác động tiêu cực nhưng không đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng, tiền lương, lạm phát và cơ sở tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đáng chú ý nhất là đối với lãi suất, nhập khẩu và tỷ giá hối đoái.

Lệnh trừng phạt không tác động nhiều, vậy sự thay đổi chính sách ngân sách thì sao?

Chuyên gia Anna Pestova giải thích: “Chúng tôi tính toán dựa trên phản ứng nội bộ từ chính sách kinh tế của Nga đối với cú sốc bên ngoài liên quan đến các lệnh trừng phạt. Cụ thể, chính sách tiền tệ khó khăn hơn, nghĩa là mức lãi suất cao hơn. Lãi suất càng cao càng làm chậm hoạt động kinh tế”.

“Tuy nhiên, mô hình được chúng tôi sử dụng để tính toán khiến chính sách ngân sách bị khuất tầm nhìn (bao gồm cả do các ràng buộc tính toán). Mặc dù vậy, một phần trong phản ứng của chính sách ngân sách có thể bắt nguồn từ sự chậm chạp của cơ sở tiền tệ trong kịch bản trừng phạt, liên quan đến việc tích lũy ngân sách liên tục trong năm 2014”, Anna Pestova cho biết.

Stanislav Murashov, nhà phân tích vĩ mô tại Ngân hàng Raiffeisen cho biết, các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng rất ít tới GDP, và cực kỳ khó để đánh giá tác động của chúng nếu có. Tất cả các tổn thất gián tiếp liên quan đến các lệnh trừng phạt xuất phát từ chính sách ngân sách mang tính bảo thủ.

“Các công ty đã vướng vào lệnh trừng phạt tài chính vào năm 2014 đã tìm ra cách để phá vỡ chúng. Suy thoái kinh tế nói chung không xảy ra do các vấn đề về tiếp cận các công cụ tài chính nước ngoài của các công ty, mà do giá dầu giảm mạnh làm giảm thu ngân sách liên bang và chính sách ngân sách bảo thủ hơn dẫn đến giảm chi ngân sách (bãi bỏ việc lập chỉ mục tiền lương cho công chức, lương hưu...)”, Stanislav Murashov giải thích.

Mức độ ảnh hưởng của lệnh trừng phạt

Các tính toán của Pestova và Mamonov có thể so sánh với các ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố vào đầu tháng 8 năm nay.

Theo tính toán của cơ quan này, hiệu ứng tiêu cực hàng năm do các lệnh trừng phạt gây ra đối với sự tăng trưởng GDP của Nga trong giai đoạn 2014 - 2018 là 0,2 điểm phần trăm. Còn đối với nguyên do chính là giá dầu rẻ hơn thì làm tốc độ tăng trưởng GDP giảm trung bình 0,65 điểm phần trăm mỗi năm.

IMF cũng phân tích, việc thắt chặt chính sách ngân sách và chính sách tiền tệ lần lượt “đóng góp” 0,1 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm vào sự giảm tốc của GDP Nga.

Cùng với nhau, 4 yếu tố này đã trừ gần 1,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Nga.

Theo tính toán của Pestova và Mamonov, các lệnh trừng phạt đã làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP xuống 1,17 điểm phần trăm trong giai đoạn 2014 - 2015 và chính hai năm này là giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2016, họ lưu ý, động lực của GDP trở nên tích cực hơn và khối lượng nợ nước ngoài của các doanh nghiệp cũng ổn định.

Các tác động trực tiếp không đáng kể của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế đã được các nhà phân tích tại cơ quan xếp hạng ACRA nêu rõ. Theo ước tính của cơ quan này, tác động gián tiếp của các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng hơn nhiều, thể hiện ở sự thay đổi trong chính sách kinh tế và kế hoạch chi tiêu ngân sách bảo thủ hơn.

Đồng thời, các chuyên gia của Bloomberg vào cuối năm 2018 đã tính toán rằng, do các lệnh trừng phạt và một số yếu tố khác (như thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu chậm lại) đã làm GDP của Nga đánh rơi 6% tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2014.

Quỳnh Lê (Theo RBC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục