Giới đầu tư tìm lại được niềm vui

(ĐTCK) Sau phiên hoảng loạn cuối tuần qua, giới đầu tư đã trở lại trạng thái cân bằng trong phiên đầu tuần mới và tìm lại được niềm vui trong phiên giao dịch thứ Ba.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau khi lấy lại được sự cân bằng trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần qua, phố Wall đã đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tăng nhờ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ổn định ở mức thấp nhất 15 tháng, trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhờ giá dầu thô tăng cao do OPEC cắt giảm sản lượng và hàng tồn kho của Mỹ giảm.  

Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall có phần hãm lại cuối phiên khi cổ phiếu Apple đảo chiều giảm 1% từ mức tăng từ trước đó trong phiên sau khi một thẩm phán thương mại của Mỹ phán quyết cho Qualcomm Inc giành chiến thắng, buộc Apple không được bán hàng với một số mẫu iPhone có sử dụng chip do Intel Corp sản xuất trong một vụ kiện liên quan đến bản quyền.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones tăng 140,90 điểm (+0,55%), lên 25.657,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,10 điểm (+0,72%), lên 2.818,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 53,98 điểm (+0,71%), lên 7.691,52 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba sau 2 phiên giảm mạnh trước đó sau khi các nhà lãnh đạo EU cho biết sẽ hỗ trợ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May sau khi Quốc hội Anh giành quyền kiểm soát quá trình này từ Thủ tướng.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,71 điểm (+0,26%), lên 7.196,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 72,83 điểm (+0,64%), lên 11.419,48 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 46,74 điểm (+0,89%), lên 5.307,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực cầu bắt đáy sau phiên bán tháo đầu tuần giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên hồi nhẹ sau phiên giảm mạnh trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm khá mạnh khi nỗi lo về tăng trưởng kinh tế chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa chấm dứt, cùng với đó là sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 451,28 điểm (+2,15%), lên 21.428,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 45,94 điểm (-1,51%), xuống 2.997,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,56 điểm (+0,15%), lên 28.556,91 điểm.

Việc chứng khoán tăng điểm mạnh trở lại khiến sự hấp dẫn của vàng giảm xuống, đẩy giá kim loại quý này quay đầu giảm trong phiên thứ Ba, trả lại hết những gì đã có trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 26/3, giá vàng giao ngay giảm 6,2 USD (-0,47%), xuống 1.315,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 7,6 USD (-0,58%), xuống 1.315,0 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Ba với sự hỗ trợ của thông tin OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nguồn cung hạn chế tại Venezuela do yếu tố chính trị và hàng tồn kho của Mỹ giảm.

Kết thúc phiên 26/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,12 USD (+1,90%), lên 59,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+1,13%), lên 67,97 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục