Giới đầu tư thận trọng với hàng loạt thông tin mới

(ĐTCK) Những thông tin mới về kinh tế và cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư thận trọng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (8/4) sau tuần hưng phấn trước đó.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau tuần tăng điểm tích cực trước, phố Wall đồng loạt mở cửa trong sắc đỏ khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Phố Wall giảm điểm khi nhà dầu tư thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh với dự đoán là quý có lợi nhuận giảm đầu tiên kể từ năm 2016.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu trong tuần này với những “phát súng” đầu tiên là Delta Airlines, JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co.

Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Hai, đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 2 giảm 0,5%, thấp hơn mức dự báo giảm 0,6% của giới phân tích. Dữ liệu tháng 1 cũng được điều chỉnh không thay đổi thay vì tăng 0,1% như công bố trước đó. Đơn đặt hàng của nhà máy đã tăng 2,4% so với tháng 2 năm 2018. Việc công bố đơn đặt hàng nhà máy bị trì hoãn do Chính phủ Mỹ đóng cửa 35 ngày trước đó.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, các lô hàng của nhà máy đã tăng 0,4% trong tháng 2 sau khi giảm 0,3% trong tháng 1 và chấm dứt chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp. Trong khi đó, đơn đặt hàng chưa thanh toán giảm 0,3% và hàng tồn kho tăng 0,3% trong tháng 2.

Trong tháng 2, các đơn đặt hàng cho máy móc đã giảm 0,6% sau khi tăng 2,1% trong tháng trước. Đơn đặt hàng cho máy móc công nghiệp đã giảm 2,6% sau khi tăng 15,5% trong tháng 1. Đơn đặt hàng cho thiết bị điện, thiết bị và linh kiện đã tăng 1,0% sau khi tăng 1,1% trong tháng 1. Đơn đặt hàng máy tính và sản phẩm điện tử đã giảm 0,5% sau khi giảm 1,9% trong tháng 1.

Đơn đặt hàng thiết bị vận tải đã giảm 4,5% trong tháng 1 sau khi tăng 0,4% trong tháng trước. Đơn đặt hàng cho máy bay dân sự và các bộ phận đã giảm 31,1 phần trăm. Xe cơ giới và đơn đặt hàng phụ tùng tăng 0,5 phần trăm.

Còn theo dữ liệu do Fannie Mae công bố hôm thứ Hai, tâm lý người tiêu dùng Mỹ khi mua nhà đã tăng mạnh 5,5 điểm, lên 89,8 điểm, cao nhất trong 9 tháng do thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thế chấp giảm trong năm nay.

Trong một diễn biến khác, một quan chức Nhà trắng vừa cho biết, các quan chức Mỹ "chưa hài lòng" về tất cả các vấn đề cản trở thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhưng đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc vào tuần trước.

Những thông tin trên khiến phố Wall mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã đảo chiều trở lại với S&P 500 và Nasdaq đảo chiều thành công, giúp S&P kéo dài chuỗi tăng điểm liên tiếp lên con số 7, chuỗi ngày tăng liên tiếp dài nhất kể từ tháng 10/2017, trong khi đó Dow Jones không thể đảo chiều thành công do sức ép đến từ đà giảm của Boeing và các nhà cung cấp khi hãng hàng không này cắt giảm sản lượng Boeing 737 MAX sau khi nhiều hãng hàng không ngừng khai thác và hủy đơn đặt hàng sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airline hôm 10/3.

Kết thúc phiên 8/4, chỉ số Dow Jones giảm 83,97 điểm (-0,32%), xuống 26.341,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,03 điểm (+0,10%), lên 2.895,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,19 điểm (+0,19%), lên 7.953,88 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm nhẹ trong phiên đầu tuần sau chuỗi tăng ấn tượng trong tuần trước đó, ngoại trừ chứng khoán Anh duy trì sắc xanh nhạt do đồng bảng Anh giảm.

Chứng khoán Đức giảm gần 0,4% chấm dứt chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp do dữ liệu vừa công bố cho thấy, xuất nhập khẩu của Đức trong tháng 2 giảm hơn dự kiến, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng kém cỏi trong quý đầu tiên của năm.

Kết thúc phiên 8/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,02 điểm (+0,07%), lên 7.451,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46.35 điểm (-0,39%), xuống 11.963,40 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,42 điểm (-0,08%), xuống 5.471,78 điểm.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, tâm lý thận trọng chờ mùa kết quả kinh doanh và thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến các thị trường giao dịch lình xình, trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, còn chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi.

Kết thúc phiên 8/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 45,85 điểm (-0,21%), xuống 21.761,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,76 điểm (-0,05%), xuống 3.244,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 140,83 điểm (+0,47%), lên 30.077,15 điểm.

Thị trường chứng khoán đảo chiều, cùng với mức giảm của đồng USD hỗ trợ cho giá vàng đảo chiều tăng tốt trở lại trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 8/4, giá vàng giao ngay tăng 5,7 USD (+0,44%), lên 1.297,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6 USD (+0,46%), lên 1.301,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng cao lên mức cao nhất 5 tháng khi chiến sự leo thang ở Lybia, OPEC cắt giảm sản lượng, lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Venezule làm giảm nguồn cung.

Kết thúc phiên 8/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,32 USD (+2,10%), lên 64,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+1,10%), lên 71,10 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục