Giới đầu tư thận trọng trước làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới

(ĐTCK) Sau phiên hứng khởi ngày thứ Ba, giới đầu tư đã nhanh chóng trở lại trạng thái tâm lý thận trọng trong phiên thứ Tư (17/6) trước nỗi lo bùng phát dịch Covid-19 mới, cùng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Việc Bắc Kinh ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, cùng với nhiều tiểu bang của Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trở lại làm lo ngại về làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2, qua đó xóa tan đi kỳ vọng hồi phục kinh tế vừa được nhen nhóm trước đó.

Ngoài ra, căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến giới đầu tư thận trọng hơn. Trong khi đó, thông tin mà Chủ tịch Fed đưa ra tại Hạ viện không có gì mới so với những gì ông đã báo cáo trước đó một ngày tại Thượng viện.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones giảm 170,37 điểm (-0,65%), xuống 26.119,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,25 điểm (-0,36%), xuống 3.113,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 14,66 điểm (+0,15%), lên 9.910,53 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại duy trì đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ tung nhiều gói kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, qua đó giúp kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh trở lại sau đại dịch, dù mức tăng không mạnh như phiên trước đó.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,46 điểm (+0,17%), lên 6.253,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 66,48 điểm (+0,54%), lên 12.382,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 43,52 điểm (+0,88%), lên 4.995,97 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên khởi sắc hôm thứ Ba, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư sau dữ liệu xuất khẩu tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ được công bố. Trong khi đó, các thị trường khác có giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng khiêm tốn khi nhà đầu tư thận trọng trước trước làn sóng bùng phát dịch Covid mới tại bắc Kinh và căng thẳng leo thang giữa biên giới Nam Bắc Triều Tiên.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 126,45 điểm (-0,56%), xuống 22.455,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,12 điểm (+0,14%), lên 2.935,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,32 điểm (+0,56%), lên 24.481,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 300 điểm (+0,14%), lên 2.141,05 điểm.        

Giá vàng có phiên giao dịch khá biến động. Sau khi giảm mạnh cuối phiên châu Á, đầu phiên châu Âu, nhưng sau đó hồi trở lại khi bước vào phiên Mỹ và đóng cửa gần như không đổi.

Kết thúc phiên 17/6, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD (+0,03%), lên 1.726,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,9 USD (-0,05%), xuống 1.735,6 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư lo ngại nhu cầu sụt giảm trước làn sóng bùng phát đại dịch mới.

Kết thúc phiên 17/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,42 USD (-1,11%), xuống 37,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD (-0,61%), xuống 40,71 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục