Giới đầu tư thận trọng trước “giờ G”

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động nhẹ trong phiên cuối tuần trước trước (30/8) khi giới đầu tư thận trọng trước thời điểm thuế quan mới giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau 2 phiên tăng tốt trước đó, phố Wall bước vào phiên giao dịch cuối tuần với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ kéo dài (thứ Hai 2/9, thị trường Mỹ nghỉ ngày lễ lao động) và thời điểm thuế quan mới đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực (1/9).

Tâm lý thận trọng khiến phố Wall giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 7 khi các hộ gia đình mua một loạt hàng hóa và dịch vụ. Dữ liệu này làm giảm nối lo suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một  cuộc khảo sát từ Đại học Michigan cũng vào thứ Sáu cho thấy, chỉ số tâm lý tiêu dùng trong tháng 8 giảm nhiều nhất kể từ tháng 12/2012, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Dow Jones tăng 41,03 điểm (+0,16%), lên 26.403,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,88 điểm (+0,06%), lên 2.926,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 10,51 điểm (-0,13%), xuống 7.962,88 điểm.

Tuy lình xình trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng mạnh trước đó khi Mỹ - Trung hạ giọng, phố Wall vẫn có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 và chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 3,02%, S&P 500 tăng 2,79% và Nasdaq Composite tăng 2,72%.

Bất chấp tuần tăng mạnh cuối tháng, nhưng phố Wall cũng không thoát khỏi tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 trong tháng 8 do cuộc chiến thương mại leo thang. Cụ thể, trong tháng 8, Dow Jones giảm 1,72%, S&P 500 giảm 2,05% và Nasdaq Composite giảm 0,70%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại tăng đồng loạt trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư phản ứng tích cực trước thông tin Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về vòng đám phán tiếp theo vào tháng 9. Trong đó, chỉ số chứng khoán chung của khu vực STOXX 600 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 2/8.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,86 điểm (+0,32%), lên 7.207,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 100,40 điểm (+0,85%), lên 11.939,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 30,51 điểm (+0,56%), lên 5.480,48 điểm.

Sau tuần hồi phục trước đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần tăng mạnh cuối tháng 8. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,58%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp, trong khi đó, chỉ số DAX tăng 2,82%, chỉ số CAC 40 tăng 2,88%, tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp.

Tuy nhiên, cũng giống phố Wall, tuần tăng mạnh cuối tháng không thể giúp chứng khoán châu Âu thoát khỏi tháng 8 giảm mạnh và cũng là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5. Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số FTSE 100 giảm 5%, chỉ số DAX giảm 2,05% và CAC40 giảm 0,70%. Trong đó, chứng khoán Đức và Pháp có tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh phiên cuối tuần khi nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại, thì chứng khoán Trung Quốc lại giảm điểm khi nhà đầu tư trên thị trường này có cái nhìn thận trọng khi thời hạn áp thuế mới của Mỹ - Trung cận kề. Chứng khoán Hồng Kông đóng cửa gần như không đổi, nhưng vẫn có được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 243,44 điểm (+1,19%), lên 20.704,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,68 điểm (-0,16%), xuống 2.886,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 21,23 điểm (+0,08%), lên 25.724,73 điểm.

Sau tuần hồi phục trước đó, chứng khoán châu Á đồng loạt quay đầu giảm trở lại trong tuần cuosoit háng 8, bất chấp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh phiên cuối tuần. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,03%, chỉ số Hang Seng giảm 1,74% và Shanghai Composite giảm 0,39%.

Trong tháng 8, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,80%, chấm dứt chuỗi 2 tháng tăng liên tiếp, chỉ số Hang Seng giảm 7,39%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp và mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5. Tương tự, chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 1,58%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp và cũng mạnh nhất kể từ tháng 5.

Sự thận trọng của nhà đầu tư cũng thể hiện trên thị trường vàng. Giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần lình xình theo xu hướng giảm và đóng cửa phiên cuối tuần với mức giảm 0,5%.

Kết thúc phiên 30/8, giá vàng giao ngay giảm 7,5 USD (-0,49%), xuống 1.519,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,5 USD (-0,49%), xuống 1.529,4 USD/ounce.

Với những phiên điều chỉnh trong tuần qua, giá vàng chốt tuần cuối tháng 8 với mức giảm lần lượt là 0,46% và 0,53%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Dù vậy, với các tuần tăng liên tiếp trước đó, giá vàng vẫn tăng mạnh 7,51% và 7,24% trong tháng 8 nhờ vai trò trú ẩn tăng lên do thương chiến leo thang.

Tuần điều chỉnh cuối tháng 8, cùng với những diễn biến mới khiến giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn nhiều về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư vẫn có cái nhìn lạc quan.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có số người dự báo giá vàng tăng và giảm đều là 6, chiếm 40%, tỷ lệ dự báo tăng thấp hơn nhiều con số 67% của tuần trước, trong khi tỷ lệ dự báo giảm lại cao hơn rất nhiều con số 6% của tuần trước. Có 3 người dự báo đi ngang, chiếm 19%.

Trong khi đó, trong 1.203 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 762 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 63%, cao hơn so với con số 54% của tuần trước; 258 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 21%, thấp hơn so với mức 25% của tuần trước và 183 người dự báo giá đi ngang, chiếm 15%.

Giá dầu đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần khi cơn bão lớn tiến gần bờ biển Florida có thể làm giảm nhu cầu. Tuy điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 7.

Kết thúc phiên 30/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,61  USD (-2,92%), xuống 55,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,65 USD (-1,08%), xuống 60,43 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,72% sau khi điều chỉnh trong tuần trước đó, trong khi giá dầu thô Brent tăng 1,84%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Tuy tăng trong tuần cuối tháng, trong đó dầu thô Brent tăng tuần thứ 3 liên tiếp, nhưng vẫn không tránh khỏi tháng giảm mạnh trong tháng 8, cũng là tháng giảm mạnh nhất từ tháng 5. Cụ thể, trong tháng 8, giá dầu thô Mỹ giảm 5,94%, còn giá dầu thô Brent giảm 7,27%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục