Giới đầu tư ngóng tin từ Chủ tịch Fed

(ĐTCK) Dù dữ liệu PMI trong lĩnh vực sản xuất của các nền kinh tế lớn được công bố tích cực, nhưng nhà đầu tư dường như đang hướng sự chú ý vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu này (23/8).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy, trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định, mặc dù sản xuất chậm lại và lo ngại nền kinh tế đang trên đường suy thoái.

Tuy nhiên, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của IHS Markit cho thấy, hợp đồng hoạt động sản xuất tăng chậm trong tháng 8 lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Dữ liệu này khiến nhà đầu tư lo ngại rằng, sự yếu kém của các nền kinh tế khác và cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc có thể kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống. Sau khi công bố dữ liệu, đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc 2 năm và 10 năm lại đảo ngược, nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Các dữ liệu trái chiều trên, cùng tâm lý thận trọng chờ đợi bài phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Sáu trong Hội nghị thường niên của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Jackson Hole khiến phố Wall giằng co và biến động nhẹ trong phiên thứ Năm. Trong đó, Dow Jones may mắn có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Boeing. S&P 500 đóng cửa gần như không đổi với sự hỗ trợ của Nordstrom Inc và các cổ phiếu bán lẻ.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones tăng 49,51 điểm (+0,19%), lên 26.252,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,48 điểm (-0,05%), xuống 2.922,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 28,82 điểm (-0,36%), xuống 7.991,39 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, bất chấp các dữ liệu kinh tế lạc quan vừa công bố. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất của Đức trong tháng 8 tăng lên mức 51,4, trên mức kỳ vọng 50,5. Chỉ số hoạt động kinh doanh của Pháp cũng được mở rộng trong tháng 8. Chỉ số kinh doanh chung của khu vực đồng euro cũng mở rộng trong tháng 8.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 75,79 điểm (-1,05%), xuống 7.128,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 55,81 điểm (-0,47%), xuống 11.747,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 47,22 điểm (-0,87%), xuống 5.388,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản lình xình và đóng cửa ít thay đổi khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Chứng khoán Trung Quốc có phiên biến động mạnh, nhưng may mắn giữ được sắc xanh nhạt, trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 9,44 điểm (+0,05%), lên 20.628,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,1 điểm (+0,11%), lên 2.883,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 221,32 điểm (-0,84%), xuống 26.048,72 điểm.

Cũng giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng thận trọng trong phiên thứ Năm để chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed.

Kết thúc phiên 22/8, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD (-0,31%), xuống 1.497,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,2 USD (-0,48%), xuống 1.508,5 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng giảm giá trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư lo lắng về triển vọng kinh tế và chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed.

Kết thúc phiên 22/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,33 USD (-0,60%), xuống 55,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,38 USD (-0,63%), xuống 59,92 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục