Giới đầu tư lạc quan với khả năng Fed giảm lãi suất

(ĐTCK) Lạc quan với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất giúp giới đầu tư hào hứng trong phiên giao dịch cuối tuần, đưa Dow Jones và S&P 500 thiết lập đỉnh lịch sử mới.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phát biểu của ông Jemore Powell, Chủ tịch Fed trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ, cùng biên bản cuộc họp của Fed trong tháng trước được công bố đã củng cố niềm tin về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 7 này của giới đầu tư.

Với niềm tin đó, giới đầu tư đã hồ hởi xuống tiền trong 2 phiên cuối tuần, bất chấp những căng thẳng địa chính trị và tương lai mịt mờ của thỏa thuận chiếm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, qua đó kéo phố Wall tăng mạnh, Dow Jones và S&P 500 đã đóng cửa thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 243,95 điểm (+0,90%), lên 27.332,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,86 điểm (+0,46%), lên 3.013,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 48,10 điểm (+0,59%), lên 8.244,14 điểm.

Hai phiên khởi sắc cuối tuần giúp phố Wall tiếp tục có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,52%, chỉ số S&P 500 tăng 0,78% và chỉ số Nasdaq tăng 1,01%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu sau khi mở cửa tích cực, đà đồng loạt đảo chiều và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần. Sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu dược phẩm do lo ngại chính phủ Mỹ có thể can thiệp vào giá thuốc được bù đắp bởi phát biểu ôn hòa của Chủ tịch Fed.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,85 điểm (-0,05%), xuống 7.505,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,80 điểm (-0,07%), xuống 12.323,32 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,92 điểm (+0,38%), lên 5.572,86 điểm.

Với các phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần, đi ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu đã chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,62%, chỉ số DAX giảm 1,95% và chỉ số CAC40 giảm 0,36%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính của khu vực cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần, nhưng mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sắp công bố.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 42,37 điểm (+0,20%), lên 21.685,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,79 điểm (+0,44%), lên 2.930,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 39,82 điểm (+0,14%), lên 28.471,62 điểm.

Cũng giống như chứng khoán châu Âu, 2 phiên tăng nhẹ cuối tuần không đủ giúp chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,28%, chỉ số Hang Seng giảm 1,05%, cùng chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 2,67% sau khi hồi 1,08% tuần trước trước đó.

Trên thị trường vàng, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran đã tạo động lực để giá vàng đảo chiều hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 12/7, giá vàng giao ngay tăng 12,4 USD (+0,88%), lên 1.415,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 11,1 USD (+0,79%), lên 1.417,8 USD/ounce.

Sau khi điều chỉnh nhẹ trong tuần trước đó sau 5 tuần tăng liên tiếp, giá vàng đã lấy lại đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,24%, giá vàng tương lai tăng 1,26%.

Sau nhiều tuần có đồng quan điểm, giới phân tích và đầu tư đã có cái nhìn khác nhau về diễn biến giá vàng trong tuần giao dịch mới.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, có 5 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 31%, thấp hơn so với mức 50% của tuần trước. Có 6 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 44%, cao hơn con số 25% của tuần trước. Đó cũng là số người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong 961 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến (con số cao nhất gần 1 năm), có 653 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 67%, cao hơn so với con số 65% của tuần trước, 175 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 18%, thấp hơn so với mức 20% của tuần trước và 133 người dự báo giá đi ngang, chiếm 14%.

Trong khi đó, giá dầu thô lại ít thay đổi trong phiên cuối tuần khi lo ngại sức cầu yếu do chiến tranh thương mại được bù đắp bởi sản lượng khai thác của Mỹ giảm do ảnh hưởng của cơn bão ở vịnh Mexico.

Kết thúc phiên 12/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,01 USD (+0,02%), lên 60,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,30 USD (+0,30%), lên 66,77 USD/thùng.

Dù giảm nhẹ trong phiên thứ Năm và ít biến động trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn có tuần hồi phục tốt sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tăng 4,69%, còn giá dầu thô Brent tăng 3,95%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục