Giới đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Bất chấp những lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các tập đoàn công nghiệp và công nghệ, nhà đầu tư vẫn hào hứng xuống tiền.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau phiên rung lắc nhẹ cuối tuần trước, phố Wall đã trở lại mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp khi nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực của các tập đoàn sẽ công bố trong tuần này.

Phố Wall tăng mạnh bất chấp dữ liệu về đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ bất ngờ sụt giảm trong tháng 11/2018.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 175,48 điểm (+0,70%), lên 25.239,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,34 điểm (+0,68%), lên 2.724,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,67 điểm (+1,15%), lên 7.347,54 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Anh đảo chiều tăng điểm, trong khi chứng khoán Đức và Pháp lại quay đầu giảm do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau kết quả kinh doanh thất vọng của một số ngân hàng vừa công bố.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,19 điểm (+0,20%), lên 7.034,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 4,08 điểm (-0,04%), xuống 11.176,58 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,09 điểm (-0,38%), xuống 5.000,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc và một số quốc gia khác đã bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, thì chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông vẫn giao dịch. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhờ việc đồng yên giảm so với đồng USD, cùng với kỳ vọng vào khả năng Fed giãn tiến độ tăng lãi suất trong năm nay, nên cả 2 thị trường đáng chú ý của chứng khoán châu Á này đều tăng điểm.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 95,38 điểm (+0,46%), lên 20.883,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 59,47 điểm (+0,21%), lên 27.990,21 điểm..

Giá vàng tiếp tục có phiên điều chỉnh trong ngày giao dịch đầu tuần mới, nhất là ở cuối phiên chiều trên thị trường Mỹ do áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư, cùng việc đồng USD vững chắc và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi bước vào tuần giao dịch mới.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay giảm 5,2 USD (-0,39%), xuống 1.311,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 2,6 USD (-0,20%), xuống 1.314,3 USD/ounce.

Giá dầu thô quay đầu giảm khi dữ liệu về đơn hàng của các nhà máy của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 11 do nhu cầu về máy móc thiết bị điện giảm mạnh, làm tăng thêm lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, theo dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma tăng hơn 943.000 thùng trong tuần trước.

Dù vậy, đà giảm cũng được hạn chế phần nào nhờ OPEC cắt giảm sản lượng và khả năng Mỹ áp lệnh trừng phạt mạnh với Venezuela.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,70 USD (-1,28%), xuống 54,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,38%), xuống 62,51 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục