Giới đầu tư hứng khởi với kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng vừa công bố, cùng với dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ giúp phố Wall lên mức cao nhất 1 tháng.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Đà tăng của phố Wall tiếp tục được duy trì trong phiên thứ Tư, đưa các chỉ số chính của thị trường lên mức cao nhất 1 tháng sau kết quả kinh doanh tích cực của Bank of America và Goldman Sachs được công bố, thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Trong phiên thứ Tư, cổ phiếu của Goldman Sachs tăng 9,5%, mức tăng mạnh nhất trong gần 10 năm sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo.

Tương tự, cổ phiếu Bank of America tăng 7,2%, mức tăng mạnh nhất 6 năm rưỡi sau khi ngân hàng công bố báo cáo lợi nhuận quý IV cao hơn dự kiến nhờ tăng trưởng trong cho vay.

Đà tăng của 2 đại gia ngân hàng này giúp chỉ số S&P tài chính tăng 2,2%, riêng chỉ số ngân hàng tăng 2,7%.

Cũng tăng mạnh sau khi báo cáo kết quả kinh doanh tích cực là United Continental Holdings Inc với mức tăng 6,4% sau khi công bố lợi nhuận quý vượt kỳ vọng.

Giới đầu tư còn được hỗ trợ bởi báo cáo đưa ra hôm thứ Tư của Fed cho thấy, thị trường lao động tích cực trên khắp nước Mỹ khi các doanh nghiệp cạnh tranh tuyền công nhân ở tất cả các trình độ và tiền lương tăng trưởng vừa phải.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Dow Jones tăng 141,57 điểm (+0,59%), lên 24.207,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,80 điểm (+0,22%), lên 2.616,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,86 điểm (+0,15%), lên 7.034,69 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh thông qua lại được giới phân tích đánh giá tích cực cho thị trường, nên giúp chứng khoán khu vực duy trì đà tăng, ngoại trừ giới đầu tư trên thị trường chứng khoán London thận trọng chờ đợi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May. Tương tự phố Wall, nhóm ngân hàng trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh, hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,34 điểm (-0,47%), xuống 6.862,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 39,45 điểm (+0,36%), lên 10.931,24 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,57 điểm (+0,51%), lên 4.810,74 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, chứng khoán Trung Quốc đại lục gần như không đổi dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng để tăng tính thanh khoản của các ngân hàng.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 112,54 điểm (-0,55%), xuống 20.442,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải gần như không đổi ở mức 2.570,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 71,81 điểm (+0,27%), lên 26.902,10 điểm.

Giá vàng giằng co trong phiên châu Á và châu Âu, sau đó tăng vọt trong phiên Mỹ đóng cửa với sắc xanh khi giới đầu tư chờ đợi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May.

Kết thúc phiên 16/1, giá vàng giao ngay tăng 4,1 USD (+0,32%), lên 1.293,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 5,4 USD (+0,42%), lên 1.293,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng với sự hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế tích cực và việc OPEC cùng các đối tác cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại sau đó do dữ liệu vừa công bố cho thấy hàng tồn kho của Mỹ tuần trước tăng kỷ lục.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 11,9 triệu thùng/ngày do xuất khẩu tăng gần mức kỷ lục 3 triệu thùng/ngày. Các kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ cũng có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 16/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,15 USD (+0,29%), lên 52,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,66 USD (+1,09%), lên 61,30 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục