Giới đầu tư hồi hộp chờ chờ tin mới

(ĐTCK) Thận trọng chờ đợi cuộc gặp Trump - Tập khiến thị trường chứng khoán thế giới giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp trong phiên thứ Tư (26/6).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, sau 3 phiên giảm, đặc biệt là phiên giảm mạnh thứ Ba do thất vọng về khả năng Fed không giảm lãi suất như dự đoán trước đó, cùng đà bán tháo nhóm công nghệ, phố Wall đã nỗ lực trở lại trong phiên thứ Tư khi nhóm công nghệ hồi phục tốt.

Ngoài ra, thị trường ban đầu đã tăng lên sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được trích dẫn bởi cuộc phỏng vấn của CNBC cho biết, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất khoảng 90%.

Tuy nhiên, những bình luận của ông sau đó đã được đưa ra cho thấy, ông đang sử dụng thì quá khứ để mô tả tiến trình trong các cuộc đàm phán. Chính 10% còn lại này đã khiến cuộc đàm phán bị đổ bể trước đó.

Với thông tin trên, cùng với giảm của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe đã khiến Dow Jones và S&P 500 đảo chiều và đóng cửa với sắc đỏ nhạt. Trong khi đó, với sự trợ giúp của nhóm công nghệ Nasdaq Composite đã có phiên hồi phục sau phiên giảm mạnh trước đó.

Cổ phiếu công nghệ tăng khi Micron Technology Inc công bố kết quả lạc quan và dự báo nhu cầu chip sẽ phục hồi. Trong khi Apple xác nhận rằng họ đã mua công ty khởi nghiệp Drive.ai.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones giảm 11,40 điểm (-0,04%), xuống 26.536,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,60 điểm (-0,12%), xuống 2.913,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,25 điểm (+0,32%), lên 7.909,97 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài chứng khoán Đức hồi phục nhẹ trở lại nhờ đà tăng gần 7% của cổ phiếu Thyssenkrupp sau thông tin về việc Kone đề nghị hợp tác kinh doanh, còn lại chứng khoán Anh và Pháp giảm nhẹ với thanh khoản thấp khi nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc gặp Trump - Tập, cũng như thất vọng về khả năng Fed không giảm lãi suất như kỳ vọng trước đó.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,04 điểm (-0,08%), xuống 7.416,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,88 điểm (+0,14%), lên 12.245,32 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 13,85 điểm (-0,25%), xuống 5.500,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh theo phố Wall phiên tối hôm trước khi kỳ vọng vào khả năng Fed giảm lãi suất ít đi sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh tính độc lập của Fed trước sức ép yêu cẩu giảm lãi suất của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giao dịch lình xình, đóng cửa ít thay đổi khi nhà đầu tư thận trọng chờ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hội nghị G20. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ, còn chứng khoán Hồng Kông hồi phục nhẹ.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 107,22 điểm (-0,51%), xuống 21.086,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,79 điểm (-0,19%), xuống 2.976,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 36 điểm (+0,13%), lên 28.221,98 điểm.

Sau dấu hiệu hạ nhiệt trong phiên thứ Ba, giá vàng đã đảo chiều giảm mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch thứ Tư trên thị trường châu Á và duy trì đà giảm này cho đến hết phiên giao dịch Mỹ. Giá vàng giảm khi kỳ vọng Fed giảm lãi suất ít đi, cùng với đó là áp lực chốt lời khi giá kim loại quý đạt mức cao nhất 6 năm. Tuy nhiên, theo giới phân tích do căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn còn, khiến vai trò trú ẩn của vàng vẫn lớn, nên giá vàng khó quay đầu giảm mạnh trong ngắn hạn.

Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay giảm 14,4 USD (-1,01%), xuống 1.408,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,3 USD (-0,23%), xuống 1.415,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tăng mạnh hơn 2% lên mức cao nhất 1 tháng khi do dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm lớn hơn dự báo.

Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm tới 12,8 triệu thùng, lớn hơn rất nhiều do so với con số giảm 2,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Đây là tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2016.

Ngoài ra, các kho dự trữ xăng cũng giảm 996.000 thùng và các kho dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm 2,4 triệu thùng. Các sản phẩm chưng cất và xăng giảm do nhà máy lọc dầu lớn nhất bờ Đông ngừng hoạt động sau vụ hỏa hoạn trước trước gây thiệt hại đáng kể.

Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,55 USD (+2,70%), lên 59,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,44 USD (+2,2%), lên 66,49 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục