Giới đầu tư dè dặt trong phiên thị trường Mỹ nghỉ giao dịch

(ĐTCK) Thị trường Mỹ nghỉ giao dịch ngày độc lập hôm thứ Năm (4/7) khiến thị trường tài chính toàn cầu cũng diễn ra ít sôi động.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau chuỗi phiên tăng mạnh, chứng khoán châu Âu giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm khi thị trường chứng khoán Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh. Dù vậy, với kỳ vọng các ngân hàng trung ương châu Âu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với việc Italia không phá vỡ quy tắc tài khóa của EU giúp các thị trường chính trong khu vực đồng euro duy trì sắc xanh nhạt, trong khi chứng khoán Anh lại thiếu chút may mắn.

Kết thúc phiên 4/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,74 điểm (-0,08%), xuống 7.603,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 13,66 điểm (+0,11%), lên 12.629,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 1,93 điểm (+0,03%), lên 5.620,73 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại nhờ phản ứng tích cực với phiên khởi sắc tối trước đó của phố Wall với kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất sau dữ liệu vừa công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục giảm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin chính thức về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 4/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 64,29 điểm (+0,3%), lên 21.702,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,01 điểm (-0,33%), xuống 3.005,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 59,37 điểm (-0,21%), xuống 28.795,77 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này ít biến động trong phiên mà thị trường Mỹ nghỉ giao dịch. Dù vậy, sau khi lên mức cao nhất 6 năm, giá vàng điều chỉnh nhẹ trở lại khi chốt phiên châu Âu.

Kết thúc phiên 4/7, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,23%), xuống 1.414,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 2,9 USD (-0,20%), xuống 1.418,0 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm khi dữ liệu vừa công bố cho thấy kho dự trữ của Mỹ giảm thấp hơn dự báo trong tuần trước, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, khiến lo ngại về sức câu yếu.

Cụ thể, theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đưa ra hôm thứ Tư, tuần trước, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng, nhỏ hơn nhiều so với mức giảm 5 triệu thùng được báo cáo bởi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) vào đầu tuần.

Kết thúc phiên 4/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,54 USD (-0,94%), xuống 56,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,52 USD (-0,81%), xuống 63,30 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục