Giới đầu tư đặt cược vào chứng khoán

(ĐTCK) Bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế, giới đầu tư phố Wall vẫn đặt cược vào kênh chứng khoán, giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại trong phiên thứ Tư (28/8).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Tiếp nối đà giảm của phiên thứ Ba, chứng khoán Mỹ tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư khi nỗi lo suy thoái kinh tế và những phát biểu trái chiều của lãnh đạo cao cấp Mỹ - Trung về vấn đề đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, rất nhau sau đó, phố Wall đã đảo chiều hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng.

Nhóm cổ phiếu tài chính hồi phục tăng lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó, còn thông tin kho dự trữ dầu Mỹ giảm giúp giá dầu thô tăng 1,5% hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu năng lượng.

Một điểm nữa, trong phiên thứ Tư, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục, thấp hơn mức lợi suất cổ tức trung bình của S&P 500, khiến giới đầu tư bỏ trái phiếu, rót tiền ngược trở lại cổ phiếu, bất chấp nỗi lo suy thoái và việc Mỹ giữ quyết định tăng thuế thêm 5% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 và 15/12.

Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ xem xét báo cáo việc làm hàng tháng và dữ liệu sản xuất có thể hướng dẫn kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất khác từ Cục Dự trữ Liên bang tại cuộc họp giữa tháng 9.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones tăng 258,20 điểm (+1,00%), lên 26.036,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,78 điểm (+0,65%), lên 2.887,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,94 điểm (+0,38%), lên 7.856,88 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, diễn biến trái chiều tiếp tục diễn ra trong phiên thứ Tư, nhưng vị thế đảo ngược lại. Trong khi chứng khoán Đức, Pháp quay đầu giảm do giới đầu tư lo ngại suy thoái toàn cầu, thì chứng khoán Anh lại đảo chiều tăng khi lo ngại Brexit hỗn loạn khiến đồng bảng Anh giảm giá, qua đó hỗ trợ ngược lại thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,13 điểm (+0,35%), lên 7.114,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,00 điểm (-0,25%), xuống 11.701,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,29 điểm (-0,34%), xuống 5.368,80 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường cũng rung lắc khi lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Trung Quốc có những phát biểu trái ngược nhau về đàm phán thương mại. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản vẫn đứng vững nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ như viễn thông và tiêu dùng, còn chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 23,34 điểm (+0,11%), lên 20.479,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,44 điểm (-0,29%), xuống 2.893,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 48,59 vđiểm (-0,19%), xuống 25.615,48 điểm.

Dù nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, nhưng do dòng tiền đặt cược vào chứng khoán, nên vàng cũng không còn động lực để tăng giá tiếp, mà quay đầu giảm nhẹ trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 28/8, giá vàng giao ngay giảm 3,8 USD (-0,25%), xuống 1.538,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,7 USD (-0,17%), xuống 1.549,1 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Tư sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô Mỹ tuần trước giảm hơn dự báo. Cụ thể, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô Mỹ tuần trước giảm 10 triệu thùng, cao hơn mức dự báo 2,1 triệu thùng. Lý do là vì nhập khẩu chậm lại.

Kết thúc phiên 28/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,85 USD (+1,55%), lên 55,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,98 USD (+1,65%), lên 60,49 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục