Giới đầu tư bất ngờ nhận dữ liệu “sốc”

(ĐTCK) Đang hứng khởi với các thông tin kinh tế tích cực vừa được công bố ngày trước đó, giới đầu tư đã bất ngờ khi nhận dữ liệu “sốc” trong phiên thứ Năm (14/2).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall đã liên tiếp nhận thông tin tích cực để duy trì đà tăng tốt trong những phiên đầu tuần. Trong đó, thông tin mới nhất là tỷ lệ lạm phát tháng 1/2019 thấp hơn tháng trước, làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ giữ ổn định lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Năm, thị trường bất ngờ nhận tin bất lợi khi doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2018 gây ngạc nhiên với mức giảm 1,2% so với tháng trước, trong khi các nhà phân tích dự báo tăng 0,2%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 10 năm.

Một báo cáo khác cũng cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần trước tăng 4.000.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1/2019 giảm 0,1% trong khi dự báo tăng 0,1%. Điều này càng củng cố thêm về việc áp lực lạm phát không phải là vấn đề.

Dữ liệu bất ngờ của doanh số bán lẻ khiến Dow Jones và S&P 500 quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Năm sau chuỗi tăng ấn tượng đầu tuần. Trong khi đó, Nasdaq vẫn may mắn duy trì được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 103,88 điểm (-0,41%), xuống 25.439,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,30 điểm (-0,27%), xuống 2.745,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,58 điểm (+0,09%), lên 7.426,95 điểm.

Dữ liệu tiêu cực từ Mỹ cũng khiến chứng khoán châu Âu quay đầu điểu chỉnh từ mức cao nhất 3 tháng trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,17 điểm (+0,09%), lên 7.197,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 77,43 điểm (-0,69%), xuống 11.089,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 11,74 điểm (-0,23%), xuống 5.062,52 điểm.

Tâm lý thận trọng cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên thứ Năm sau những phiên tăng mạnh trước đó. Chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng như các thông tin quan trọng khác là lý do mà giới đầu tư thận trọng khiến thị trường chứng khoán châu Á gần như không đổi trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 4,77 điểm (-0,02%), xuống 21.139,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,35 điểm (-0,05%), xuống 2.719,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 65,54 điểm (-0,23%), xuống 27.432,05 điểm.

Trên thị trường vàng, dù lình xình trong suốt phiên châu Á và châu Âu do chịu tác động ngược giữa một bên là thông tin tích cực về lạm phát, triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung và bên kia là đồng USD tăng. Tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, giá vàng đã nhảy vọt sau khi dữ liệu bán lẻ bất ngờ gây thất vọng.

Kết thúc phiên 14/2, giá vàng giao ngay tăng 6,4 USD (+0,49%), lên 1.312,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,2 USD (-0,09%), xuống 1.313,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng mạnh nhờ các thông tin hỗ trợ về việc OPEC cắt giảm sản lượng, cùng với triển vọng tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,8 USD (+1,48%), lên 53,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,19 USD (+1,87%), lên 63,61 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục