Giải tán đồng euro, tại sao không?

(ĐTCK) Người Ai Len đã rời khỏi khu vực đồng Bảng. Các nước vùng Ban Tíc thoát ly khỏi đồng Rúp. Cộng đồng Séc và Slovak tách nhau khỏi khối tiền chung. Lịch sử đã rũ bỏ các liên minh tiền tệ, vậy thì với đồng euro, tại sao không?
Giải tán đồng euro, tại sao không?

Các sáng lập viên của đồng euro đã nghĩ rằng, họ sẽ tạo nên một đối trọng với đồng đô la Mỹ, thay vì tái tạo nên chế độ bản vị vàng đã bị ruồng bỏ từ lâu. Nhưng hiện tại, cuộc khủng hoảng nợ công đang đưa đồng tiền chung này đến bờ vực.

Không thể phá giá các đồng tiền của mình, các quốc gia khốn khó của khu vực đồng euro đang cố cạnh tranh bằng việc “phá giá nội địa”, như hạ thấp tiền công và giá cả. Điều đó gây ra những tổn thương khác cho nền kinh tế - xã hội: tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha đang cao ngất ngưởng, trên 20% và sự oán hận đang hằn sâu nơi các chủ nợ.

Vậy tại sao không trút bỏ gánh nặng đó? Các hiệp ước có lẽ đang bắt đồng euro “không thể chết”, nhưng bản thân các hiệp ước có thể được sửa đổi. Năm ngoái, một điều kiêng kỵ cũng đã bị phá vỡ, khi Đức và Pháp dọa loại Hy Lạp khỏi khối tiền chung nếu nước này tiến hành trưng cầu dân ý về các điều kiện của gói cứu trợ mới.

Một lý do đang níu giữ các nước dùng chung đồng euro lại với nhau là nỗi sợ về một thảm hoạ tài chính, kinh tế. Lý do khác là sự thôi thúc phòng thủ trước các hoạt động đầu tư chính trị kéo dài hàng thập kỷ qua trong “dự án châu Âu”. Thế nên, dù cay đắng, Hy Lạp vẫn phải nhận gói cứu trợ lần hai.

Việc Hy Lạp rời khỏi đồng euro, theo lời bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, có lẽ là “không thể tránh khỏi”. Đến nay, bà Merkel vẫn chưa sẵn sàng thực hiện những hành động cần thiết để ổn định đồng euro. Quyết định gia cường cho “bức tường lửa” lên 800 tỷ euro chỉ là kết quả dưới mong đợi; năng lực cho vay thực tế sẽ chỉ là 500 tỷ euro. Và cho đến nay, không có khả năng cả khối sẽ chia sẻ những món nợ công của bất kỳ thành viên nào. Vì thế, khu vực đồng euro vẫn có thể bị tổn thương với những cú sốc mới. Các thị trường vẫn lo ngại về rủi ro vỡ nợ công và về sự sụp đổ một phần hoặc toàn bộ đồng euro.

Có lẽ, các nhà lãnh đạo nên nghĩ đến việc làm thế nào để kiểm soát sự đổ vỡ hoặc làm gì đó tương tự. Nhưng như đã nói, một sự chia tách có thể dẫn tới kết cục bi thảm về kinh tế, nên các nhà lãnh đạo không dám nghĩ tới việc lên kế hoạch cho điều đó.

Thay vào đó, người ta đang dõi theo hành động của Policy Exchange, một cơ quan tham mưu về chính sách kinh tế cho Chính phủ Anh. Cơ quan này vừa công bố 5 ứng viên tham dự giải thưởng 250.000 Bảng (400.000 USD) cho kế sách tốt nhất để kiểm soát sự đổ vỡ của đồng euro.

Một trong 5 kế sách, do Jonathan Tepper đề xuất, liệt kê ra 69 vụ đổ vỡ tiền tệ trong thế kỷ trước. “Hầu hết đều không dẫn đến tổn thất lâu dài”, Tepper nói. Trên thực tế, việc để cho đồng euro tan rã sẽ giúp các nước khó khăn nhanh chóng hồi phục. Phác họa lại sự kết thúc của đế chế Áo - Hung, Tepper ám chỉ đến trường hợp của Hy Lạp ngày nay và gợi ý về kịch bản “thoát xác” cho nước này: Một thông báo bất ngờ được đưa ra sau kỳ nghỉ cuối tuần, theo đó, tất cả các khoản tiền gửi được hoán đổi sang đơn vị tiền tệ Hy Lạp (đồng drachma), trong khi các ngân hàng tạm thời đóng cửa; hoạt động kiểm soát vốn được áp đặt để ngăn chặn các dòng chảy vốn ra nước ngoài; về tiền mặt, Hy Lạp sẽ lần đầu tiên sử dụng các tờ euro hiện tại, nhưng đã được bôi mực hoặc dán tem, rồi dần được thay thế bằng các tờ bạc drachma in mới; các định chế tài chính thì được cho thời gian để cập nhật phần mềm.

Vấn đề thực sự đối với đồng euro, theo Tepper, là nền kinh tế, tài chính nhiều nước bị mất cần bằng trầm trọng, nợ nần chồng chất. Vấn đề này có thể được làm nhẹ bằng cách hoán đổi các trái phiếu phát hành theo luật Hy Lạp sang trái phiếu bằng đồng drachma; các trái phiếu theo luật nước ngoài thì được tái cấu trúc.

Công thức của Tepper có thể được tóm lược bằng 3 chữ “D”: depart - ly tách, default - vỡ nợ và devalue - phá giá. Roger Bootle, một ứng viên khác cho rằng, công thức 3D sẽ tốt hơn nếu được bắt đầu bằng việc ly khai của Đức và các nước mạnh khác khỏi khu vực đồng tiền chung.

Neil Record thì miêu tả, con số tổng cộng của những giá trị mất đi là vô cùng lớn và những vụ tranh chấp, kiện tụng nổi lên như nấm. Đó là cách đồng euro sụp đổ khi một nước rời khỏi khối tiền chung, mang theo các hợp đồng bằng euro.

Không như Record, trong bài viết của mình, Jens Nordvig và Nick Firoozye lập luận rằng, việc lập các kế hoạch mở, tùy biến sẽ giảm được sự bất trắc. Sự đổ vỡ có thể được giảm thiểu bằng cách chuyển đổi tất cả các hợp đồng bằng đồng euro sang đơn vị tiền tệ châu Âu (ECU), tiền thân của đồng euro, được xác định bằng rổ tiền tệ.

Catherine Dobbs, ứng viên cuối cùng, đề xuất mô hình “trứng tráng”, chia khu vực đồng euro thành hai phần: “lòng đỏ” và “lòng trắng”. Tất cả đồng euro tại tất cả các nước sẽ được chuyển đổi sang một dạng kết hợp cố định của hai thành phần trên. Người gửi tiết kiệm sẽ được bảo vệ, ít nhất là ở thời điểm ban đầu, và làn sóng chuyển vốn ra các nước trong khối sẽ được ngăn chặn. “Dần dần, lòng đỏ yếu hơn sẽ san bằng giá trị với lòng trắng mạnh hơn”, Dobbs nói.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục