Giá dầu 2020, tiếp nối những nguy cơ

(ĐTCK)  Năm 2019 thị trường dầu mỏ chứng kiến nhiều biến động lớn. Đến tháng 12, giá dầu thô Brent đã vượt quá 65 USD/thùng và các thành viên OPEC+ (OPEC và đồng minh Nga) đã đồng ý về việc giảm thêm sản lượng. Các nhà phân tích cho rằng, trong năm 2020, giá dầu cũng như các quy tắc mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế sẽ quyết định khối lượng sản xuất. Dầu đá phiến dường như sẽ không có tác động mạnh mẽ đến thị trường, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lờ mờ hiện ra trước mắt sẽ làm sụt giảm nhu cầu đối với “vàng đen”.
Giá dầu 2020, tiếp nối những nguy cơ

Quyết định của OPEC+

Tháng 1/2019, giá dầu thô Brent đã tăng từ 55 USD/thùng lên 75 USD/thùng do ảnh hưởng từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày của OPEC+. Tuy nhiên, cho đến tháng 8, giá dầu đã giảm xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng.

Vào giữa tháng 9, dầu thô đã có bước nhảy vọt chưa từng thấy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các mỏ dầu trọng yếu của Ả Rập Xê-út. Nhưng chỉ sau một vài tuần, dầu trở lại mức trước đó và xuất hiện mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng thừa cung.

Giá dầu 2020, tiếp nối những nguy cơ ảnh 1

Biến động giá dầu thô Brent trong năm 2019. Nguồn: Trading View.

Tuy nhiên, đến tháng 12, giá dầu thô Brent một lần nữa được giao dịch ở mức hơn 65 USD/thùng, sau cuộc họp của OPEC+ vào ngày 6/12. Các nước thành viên của tổ chức này đã đồng thuận giảm sản lượng thêm 500.000 thùng mỗi ngày, nâng tổng lượng cắt giảm lên tới 2,1 triệu thùng mỗi ngày.

“Điều này sẽ góp phần vào sự ổn định của giá dầu trong nửa đầu năm tới”, Alexander Lapidus, Giám đốc điều hành của CFS Management, cho biết.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, thỏa thuận sẽ hết hạn và những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.

Theo giới quan sát, thỏa thuận cắt giảm không được gia hạn, đồng thời, có thể một số các quốc gia sẽ tăng sản lượng dẫn tới giá dầu giảm.

Một số nhà phân tích còn chỉ ra rằng, bất chấp những nỗ lực của các nước thành viên OPEC+, sản xuất vẫn sẽ tăng lên và nhu cầu sẽ giảm, do sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất xe hơi ở nhiều quốc gia, và dẫn đến việc giá dầu giảm.

Theo Andrey Lyushin, Phó chủ tịch HĐQT LOCKO-Bank, Mỹ, Qatar, Brazil và Na Uy là những nước đang tăng sản lượng khai thác dầu mỏ.

Mặt khác, từ tháng 1/2020, các quy tắc mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ có hiệu lực. Theo đó, IMO sẽ cấm các phương tiện vận tải biển sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh trên 0,5% (hiện con số này là 3,5%).

Alexander Lapidus nhận định, điều này có thể làm tăng nhu cầu đối với nhiên liệu thô. Chuyên gia này cũng đồng ý với dự báo của Bank of America rằng, trong quý đầu tiên của năm 2020, giá dầu thô Brent sẽ nằm trong vùng 55 - 58 USD/thùng và trong cả năm sẽ không vượt quá ngưỡng 60 USD/thùng.

Dầu đá phiến "hụt hơi"

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ là sự phát triển của dầu đá phiến ở Mỹ. Trong mười năm qua, đá phiến đã biến Mỹ này trở thành một trong những cái tên “mạnh” nhất trên thị trường “vàng đen”.

Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tháng 12, sản lượng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đạt 12,8 triệu thùng/ngày, trong khi con số này vào đầu năm 2010 chỉ vào khoảng 5,5 triệu thùng/ngày. Và vào tháng 11, Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 1973 trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu và các sản phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên, trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, dầu đá phiến đang tạo ra lợi nhuận ngày càng ít hơn cho các công ty thượng nguồn do chi phí chính tăng khi nguồn dự trữ sẵn có cạn kiệt, nhà phân tích từ Freedom Finance UK chỉ ra.

Đây vốn là vấn đề trong một ngành sản xuất công nghiệp lâu năm. Sản xuất dầu đá phiến đang giảm nhanh chóng. Để đáp ứng được sản lượng như hiện tại thì cần phải liên tục khoan giếng mới, trong khi chi phí để làm việc này rất tốn kém.

“Đồng thời, ngày càng ít hơn các khoản cho vay đầu tư vào ngành công nghiệp đá phiến. Điều này sẽ giúp kiểm soát giá dầu”, ông Alexander Zakharov, một chuyên gia từ Tập đoàn AvtoSpetsTsentr cho biết.

Trên thực tế, hiệu suất tài chính của các công ty đá phiến làm các nhà đầu tư khá thất vọng. Trong thập kỷ qua, 40 đại diện tiêu biểu của ngành này mất gần 200 tỷ, Steve Schlotterbeck, cựu Giám đốc điều hành của EQT, một trong những gã khổng lồ ngành khai thác đá phiến tại Mỹ, cho hay.

Hàng ngàn giếng đã khoan cung cấp dầu khí ít hơn dự kiến. Do đó, năm 2018, Phố Wall đầu tư vào ngành này chỉ bằng một nửa so với năm 2017.

Và Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs cảnh báo rằng vào năm 2025, đá phiến dầu sẽ mất đi ý nghĩa kinh tế và có "tất cả các dấu hiệu cạn kiệt".

Và nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu

Với bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô hiện nay, hầu hết các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá dầu sẽ giảm.

“Trong quý đầu tiên, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 60 - 64 USD/thùng”, Elena Grigoryeva, Trưởng bộ phận Tư vấn tài chính và định giá của SRG Group, một công tư vấn hàng đầu của Nga, dự đoán.

Kịch bản tiêu cực nhất là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ ập đến, nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ sẽ giảm mạnh, chắc chắn sẽ làm giá dầu sẽ lao dốc.

Chuyên gia của AvtoSpetsTsentr cho biết: "Suy thoái kinh tế được nhận thấy rõ rệt thông qua sự suy giảm sản xuất ở một số ngành công nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, ngành công nghiệp tác động chính yếu lên thị trường xăng và nhiên liệu diesel - các sản phẩm tinh từ dầu mỏ".

Chuyên gia này tin rằng, trong điều kiện như vậy, giá dầu sẽ không thể vượt quá phạm vi 55 - 67 USD/thùng.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục