Fed không thể giúp giới đầu tư bớt sợ

(ĐTCK) Việc Fed tung ra chương trình mua trái phiếu không giới hạn không giúp ích nhiều trong việc xóa tan đi nỗi sợ đại dịch Covid-19 khiến kinh tế suy thoái của giới đầu tư.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau khi tung ra gói kích thích kinh tế 700 tỷ USD (mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp), vừa đưa lãi suất về 0%, Fed hôm thứ Hai cho biết, tùy thuộc vào nhu cầu nền kinh tế, cơ quan hoạch định chính sách sẽ mua trái phiếu không giới hạn.

Dù Fed đưa ra chương trình nới lỏng định lượng vô tiền khoáng hậu, nhưng không giúp làm vơi đi nỗi sợ hãi của giới đầu tư trước nguy cơ suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, thêm Maryland, Indiana, Michigan và Massachusetts, nâng tổng số lên 13 trong số 50 tiểu bang của Mỹ áp đặt các hạn chế đối đi lại. Cùng với đó là hàng loạt nước khác cũng phong tỏa cả nước, hoặc cấm biên, hạn chế đi lại với người dân.

Những hành động để đối phó với đại dịch Covid-19 trên có thể khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, do đó hành động của Fed không giúp ích nhiều cho nhà đầu tư trong lúc này, nhất là gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD đã không qua được cửa Quốc hội Mỹ do 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, dù sao thì đà giảm của phố Wall cũng được hãm bớt trong phiên đầu tuần mới, nhất là Nasdaq suyt nữa trở lại được tham chiếu nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu Amazon khi đại gia này tăng 3,07%.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 582,05 điểm (-3,04%), xuống 18.591,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 67,52 điểm (-2,93%), xuống 2.237,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,84 điểm (-0,27%), xuống 6.860,67 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu chứng kiến phiên giảm sâu khi số ca chết và nhiễm mới Covid-19 gia tăng mạnh tại lục địa này.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 196,89 điểm (-3,79%), xuống  4.993,89 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 187,80 điểm (-2,10%), xuống 8.741,15 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 134,48 điểm (-3,32%), xuống 3.914,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản ngược dòng khi nhà đầu tư kỳ vọng Olympic Tokyo 2020 sẽ không bị hủy bỏ, còn lại các thị trường khác đều bị bán tháo và lao mạnh trong phiên đầu tuần mới khi việc hạn chế đi lại và cấm biên của nhiều quốc gia có thể khiến kinh tế thế giới suy thoái.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 334,95 điểm (+2,02%), lên 16.887,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 85,45 điểm (-3,11%), xuống 2.660,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.108,94 điểm (-4,86%), xuống 21.696,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 83,69 điểm (-5,34%), xuống 1.482,46 điểm.

Giá vàng tăng vọt trong phiên đầu tuần mới sau khi Fed đưa ra thông báo sẽ xóa bỏ giới hạn trong chương trình mua lại trái phiếu của mình.

Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay tăng 52,4 USD (+3,5%), lên 1.551,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 83 USD (+5,59%), lên 1.567,6 USD/ounce.

Tương tự, gói kích thích định lượng không giới hạn của Fed đã giúp giá dầu thô đảo chiều tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới, dù trước đó đang tiếp nối xu thế giảm do lo ngại kinh tế suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,73 USD (+3,13%), lên 23,36 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,05 USD (+0,18%), lên 27,03 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục