Fed giúp giới đầu tư tự tin xuống tiền

(ĐTCK) Phố Wall nhanh chóng phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư (20/5) sau thông tin tích cực từ biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Ba, nghi ngờ về kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid-19, giới đầu tư đẩy mạnh bán ra cuối phiên, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao mạnh.

Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, cả 3 chỉ số đã trở lại, lấy lại được những gì đã mất trước đó, thậm chí Nasdaq còn khởi sắc leo lên mức cao nhất 3 tháng và chỉ còn thấp hơn mức đóng cửa kỷ lục ngày 19/2 khoảng 4,5%.

Giới đầu tư hứng khởi với biên bản cuộc họp gần nhất của Fed được công bố cho thấy, ngân hàng trung ương cam kết hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi nó đang trên đà phục hồi. Đây chính là những điều mà ông Jerome Powell đã lên tiếng trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ còn có kế hoạch bỏ phiếu vào tuần tới về việc cho các doanh nghiệp nhỏ có thêm thời gian để sử dụng viện trợ theo Chương trình Bảo vệ tiền lương.

Các thông tin trên khiến giới đầu tư tự tin hơn vào đà hồi phục sớm của nền kinh tế, nên mạnh dạn giải ngân, đẩy phố Wall bật lại mạnh mẽ trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones tăng 369,04 điểm (+1,52%), lên 24.575,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,67 điểm (+1,67%), lên 2.971,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 190,67 điểm (+2,08%), lên 9.375,78 điểm.

Theo chân phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều tăng về cuối phiên với kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi sau thời gian bị gián đoạn vì cách lý xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 64,93 điểm (+1,08%), lên 6.067,16 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 148,42 điểm (+1,34%), lên 11.223,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 38,82 điểm (+0,87%), lên 4.496,98 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm khi có thông tin 2 thành phố sẽ được gỡ bỏ lệnh khẩn cấp. Chứng khoán Hàn Quốc tăng 4 phiên liên tiếp với kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh và chứng khoán Hồng Kông chỉ có được sắc xanh nhạt khi giới đầu tư chờ đợi những quyết sách quan trọng được đưa ra trong cuộc họp chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,70 điểm (+0,79%), lên 20.595,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,84 điểm (-0,51%), xuống 2.883,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 11,82 điểm (+0,05%), lên 24.399,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 9,03 điểm (+0,46%), lên 1.989,64 điểm.

Giá vàng duy trì đà tăng tốt trên thị trường châu Á và đầu phiên châu Âu, nhưng sau đó hạ nhiệt khi thị trường chứng khoán khởi sắc với kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 20/5, giá vàng giao tăng 3,7 USD (+0,21%), lên 1.748,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,5 USD (+0,37%), lên 1.752,1 USD/ounce.

Kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh của nền kinh tế cũng giúp giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 20/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,53 USD (+4,57%), lên 33,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,10 USD (3,08%), lên 35,75 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục