Fed đang thâm nhập thị trường repo… trong bóng tối

(ĐTCK) “Đừng chống lại Fed” là câu ngạn ngữ khá phổ biến trong giới đầu tư. Giờ đây, nó có lẽ đang lan sang thế giới “ngân hàng trong bóng tối” khi Ngân hàng Trung ương Mỹ xâm nhập vào vương quốc của tài trợ và đòn bẩy giữa các ngân hàng và các “tay chơi” tài chính này.
Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen

Fed đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trên “thị trường repo” như một nỗ lực để có thể kiểm soát tốt hơn lãi suất và giảm nguy cơ căng thẳng thị trường trong tương lai. Các ngân hàng từ lâu đã sử dụng thị trường repo để tài trợ cho các hoạt động của họ bằng cách vay tiền từ các quỹ và các nhà đầu tư khác trên thị trường tiền tệ.

Để vay được tiền, các ngân hàng thế chấp các tài sản như trái phiếu và chứng khoán khác. Loại hoạt động này, trước đây thường được coi là hậu trường của “hệ thống ngân hàng trong bóng tối”.

Hiện tại, hoạt động đó có vẻ bớt “tối” hơn khi có sự tham gia ngày càng sâu của Ngân hàng Trung ương. Nhờ vào bảng cân đối khổng lồ của mình, ước khoảng 4.000 tỷ USD, Fed có thế tham gia vào thị trường repo như một “tay to” mới.

Từ tháng 9/2013, Fed đã cung cấp các trái phiếu từ bảng cân đối của mình cho những nhà cho vay trên thị trường repo, coi đó như tài sản thế chấp để nhận về tiền mặt. Giao dịch này hiện chiếm 17% thị phần mỗi ngày, lấy đi một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Cách tiếp cận này được Fed thiết kế để kiểm soát lãi suất ngắn hạn thông qua việc cung cấp cho các nhà đầu tư một “chốn đi về” cho các khoản tiền mặt dư thừa của họ. Fed hiện đã có thỏa thuận với khoảng 90 quỹ thị trường tiền tệ để họ cho vay ngân hàng trung ương thay vì cho vay một ngân hàng thương mại hay một tổ chức môi giới nào đó.

Fed, thông qua chương trình repo (RRP) này, không chỉ đang thấm hút tiền mặt trong hệ thống tài chính để qua đó có thể kiểm soát lãi suất qua đêm, một phần quan trọng trong bộ công cụ của cơ quan này khi bắt đầu thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Trung ương cũng đang tham dự sâu vào một thị trường tài trợ từng là tâm chấn của cuộc khủng hoảng tài chính.

Năm 2008 đó, các nhà đầu tư và nhà quản lý đều đã bị choáng váng bởi thị trường repo khiến khủng hoảng lan nhanh hơn họ tưởng. Các quỹ trên thị trường tiền tệ đã đột ngột thu lại tiền từ các ngân hàng như Bear Stearns và Lehman Brothers, khi họ không còn tin vào giá trị tín nhiệm của các tài sản và chứng khoán mà hai ngân hàng này và các ngân hàng khác dùng để thế chấp cho các khoản vay repo.

“Fed có thể muốn nhìn thấy rủi ro ít hơn ở hệ thống ngân hàng trong bóng tối và một trong các thị trường của hệ thống đó, thị trường repo”, Joe Abate của Barclays nói.

Barclays ước tính, các quỹ trên thị trường tiền tệ đã giảm các giao dịch repo của họ với các môi giới trước đây xuống còn 82% từ mức 88% của năm 2012, trong khi 3 nhà môi giới lớn nhất hiện chỉ chiếm 30% thị phần, từ mức 50% năm 2012.

Scott Skyrm, một cựu môi giới repo, nói rằng, có vẻ như Fed đã trở thành “một môi giới thứ thiệt” của ngành công nghiệp ngân hàng. Ông này cho biết thêm, các nhà ngân hàng trong bóng tối rất hạnh phúc nói với khách hàng của họ rằng, họ đang có Ngân hàng Trung ương làm đối tác.

Tuy nhiên, khi Fed mở rộng địa hạt của họ trong hệ thống ngân hàng trong bóng tối, câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có giúp chặn trước được sự hỗn loạn trong tương lai ở các thị trường repo hoặc nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng niềm tin tiếp theo - hậu quả của việc các nhà cho vay repo rút đột ngột tiền của họ khỏi các ngân hàng và các nhà môi giới?

“Một vấn đề với chương trình RRP là, nó là một cái cửa mở sẵn để các ngân hàng bỏ chạy”, Lou Crandall, nhà kinh tế của Wrightson Icap nói.

Chúng ta đã từng thấy bóng dáng của hiện tượng này cuối năm ngoái, khi các ngân hàng và nhà đầu tư tất toán trạng thái trước thời điểm kết thúc năm.

Ông Crandall nói rằng: “Sự tham gia mạnh hơn của RRP khi đó đã có tác động ổn định các thị trường tài chính bởi Fed đã khỏa lấp khoảng trống được tạo ra khi các định chế tư nhân từ chối cung cấp các phương tiện thanh khoản tương ứng”.

“Việc chuyển tiền cho ngân hàng trung ương trở thành một nghiệp vụ hiển nhiên đối với các nhà quản lý thanh khoản”, Crandall nói.

Nhưng cũng có câu hỏi đặt ra với khả năng của Fed trong việc đảm đương vai trò định hướng thị trường vốn từ lâu thuộc về Phố Wall. Trên thực tế, các ngân hàng đã sẵn sàng rút khỏi thị trường repo do những yêu cầu về vốn cao hơn và một quy định về tỷ lệ đòn bẩy mới hạn chế hoạt động đi vay của họ.         

Quang Huy (Theo FT)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục