Facebook đánh “canh bạc cuộc đời” với WhatsApp

(ĐTCK) Chưa bao giờ cuộc chiến giữa các công ty mạng lại gay cấn và căng thẳng như hiện nay khi Google, Facebook, Amazon và rất nhiều tập đoàn lớn mạnh khác đang đấu đá nhau để tranh giành thị phần và túi tiền của khách hàng. Bởi để lấn áp đối thủ, không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo và cải tiến, mà còn cần đến bộ óc phán quyết nhanh nhạy trước khi “đứa con” của mình bị bỏ lại phía sau.
Facebook đánh “canh bạc cuộc đời” với WhatsApp

Sau khi bị khước từ lời đề nghị 3 tỷ USD vào năm ngoái từ Snapchat, một ứng dụng chia sẻ hình ảnh trực tuyến, đã khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg rơi vào thảm cảnh đứng ngồi không yên.

Hành động đột ngột tuyên bố mua lại phần mềm ứng dụng tin nhắn miễn phí WhatsApp của Facebook vào ngày thứ Tư vừa qua, vốn được xem là một trong những “canh bạc cuộc đời” hiếm hoi trong lịch sử các tập đoàn Hoa Kỳ có lẽ là một bài học được rút ra từ kinh nghiệm trước đó. Không rõ liệu Mark Zuckerberg sẽ xử lý ván bài sắp tới ra sao, song với thương vụ này, vị tỷ phú trẻ tuổi đã thành công khi cướp “miếng mồi ngon” từ tay ông hoàng Google.

Có thể Google đã đi một bước nhanh hơn Facebook song thất bại khi đưa ra mức giá “keo kiệt” hơn so với đối thủ. Trong khi đó, tận dụng mối quan hệ bạn bè thân thiết với CEO WhatsApp Jan Koum, Mark Zuckerberg chiếm lĩnh lợi thế hơn hẳn. Không chỉ đích thân đến nhà Mark ăn tối, Jan và Mark còn thỉnh thoảng đi leo núi vui vẻ cùng nhau. Thời điểm cách đây một tuần, cả hai đã quyết định ngồi lại và bàn bạc giá cả trong một không khí thân mật.

Ngoài việc đưa ra mức giá gấp đôi Google, Mark Zuckerberg còn hào phóng dành một chỗ cho Jan Koum trong Hội đồng quản trị, thay vì nói không như Google. Đồng thời cho phép WhatsApp duy trì hoạt động với tư cách là công ty độc lập. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho ông chủ WhatsApp không thể chối từ. Cái gật đầu từ Jan Koum đánh dấu sự ra đời của “bản hợp đồng thế kỷ” trong lịch sử ngành công nghiệp mạng toàn cầu nói chung và trong lịch sử 10 năm hoạt động của Facebook nói riêng. 

“Những tập đoàn lớn không hề muốn bị thua cuộc trước đối thủ dù họ phải chi nhiều tiền hơn”, Aileen Lee, CEO hãng quản lỹ quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers nói.

Quả thật, tại sao một ứng dụng tin nhắn quá đỗi bình thường với quy mô chỉ 55 nhân viên lại trở thành “cục nam châm” thu hút các ông chủ mạng lớn toàn cầu như Facebook và Google? Thứ mà Mark Zuckerberg nhìn thấy ở WhatsApp không phải là một kho các bằng sáng chế hoặc một mô hình quảng cáo hấp dẫn, mà là tương lai về mặt truyền thông. Rõ ràng, yếu tố hấp dẫn của WhatsApp nằm ở chỗ số lượng người sử dụng lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất cứ công ty mạng nào, thậm chí cả với Facebook. Nếu tiến triển thuận lợi, thời điểm WhatsApp chạm ngưỡng con số 1 tỷ người sử dụng sẽ không còn bao xa! Sau khi đạt đến con số mơ ước đó, WhatsApp sẽ nghiễm nhiên trở thành “cỗ máy in tiền” cho Facebook trước ánh mắt ganh tỵ của vô vàn đối thủ.

“Bất cứ một ứng dụng nào trên thế giới sở hữu 1 tỷ người dùng đều vô cùng quý giá. Chúng tôi nhìn thấy rõ quỹ đạo phía trước và muốn ngay lập tức bắt tay vào làm việc cùng nhau”, Mark Zuckerberg phát biểu vào hôm thứ Tư.

Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng, nếu xét về doanh thu của WhatsApp chỉ ở mức trung bình với khoản thu phí 1 USD/năm, chưa kể Jan Koum tuyên bố nói không với mọi hình thức quảng cáo, vốn là nguồn thu dồi dào của các công ty mạng, thì lợi nhuận sẽ là không đáng kể.

Thêm vào đó, con số khổng lồ 19 tỷ USD cũng khiến nhiều người phải “nhíu mày”, bởi trên thực tế, độ phủ sóng của WhatsApp trên thế giới vẫn không đồng đều. Thị trường ăn khách của WhatsApp chủ yếu nằm ở khu vực châu Âu, trong khi ở những nơi tập trung đông dân số như Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn còn ít được “ngó ngàng” tới. 95% người dân Trung Quốc vẫn có thói quen sử dụng Wechat để nhắn tin, trò chuyện miễn phí; ở Hàn Quốc, phần mềm Kakaotalk đang chiếm lĩnh hơn 80% thị phần. Một số ứng dụng nổi tiếng khác như Viber, Line… đều đang sở hữu trung bình 300 triệu khách hàng trung thành với đà phát triển mạnh.

Tuy nhiên, “khi nghĩ 19 tỷ USD là một con số thì nó rất đáng kinh ngạc, song khi bạn nghĩ về quy mô thị trường và tầm ảnh hưởng ứng dụng có thể mang lại trong quỹ đạo lâu dài, bạn sẽ hiểu được tại sao lại có mức giá đó”, Giáo sư Josh Lerner ở Harvard Business School nói.

Trước khi đế chế Facebook và WhatsApp ra đời, đã có nhiều cái bắt tay nổi đình nổi đám trong ngành công nghệ mạng, như Google mua lại Youtube với giá 1,64 tỷ USD năm 2006 hay Yahoo thu nạp Tumblr năm ngoái với giá 1,1 tỷ USD. Nếu như Youtube trở nên quen thuộc trong từng ngõ ngách, thì Tumblr hiện là trang nhật ký trực tuyến phổ biến rộng rãi ở các nước phương Tây.

Bất chấp suy thoái kinh tế, danh sách những bản hợp đồng đắt đỏ giữa các tập đoàn lớn vẫn ngày một dài ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những ông trùm như Google, Apple hay Amazon đã và đang tận dụng mọi cơ hội để tìm kiếm và chấp nhận khoản đầu tư lớn. Họ sẵn sàng đặt cược hàng tỷ đô la vào canh bạc họ đang chơi, để cho ra đời những mẫu ứng dụng cải tiến hơn nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình.

Hồng tuyết
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục