ECB và các ngân hàng trung ương đang quá thận trọng?

(ĐTCK) Bất chấp những tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ quan điểm thận trọng trong chính sách tiền tệ của mình. Điều tương tự cũng diễn ra với một số định chế tài chính chủ chốt khác trên thế giới, trong đó có Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
ECB và các ngân hàng trung ương đang quá thận trọng?

Theo các số liệu sơ bộ, kinh tế Eurozone đã có 15 quý tăng trưởng liên tục và đã tăng trưởng 0,5% trong quý I năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp chính sách đầu tháng 6, ECB cho biết sẽ duy trì mức lãi suất tái cấp vốn 0%/năm, giữ lãi suất cho vay ở mức 0,25%/năm và lãi suất tiền gửi là âm 0,4%/năm.

ECB cũng cho biết, chưa có ý định tăng lãi suất trong ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do để các ngân hàng trung ương này duy trì lập trường cẩn trọng.

Trước hết, lãi suất cơ bản của ECB và BoJ vẫn ở ngưỡng rất thấp, không chỉ vì Eurozone và Nhật Bản chưa thể tiệm cận các mục tiêu lạm phát mong muốn như trường hợp của Mỹ.

Bản thân Chủ tịch ECB Mario Draghi từng nói rằng, nền kinh tế khu vực vẫn cần sự hỗ trợ, nhất là khi lạm phát vẫn thấp hơn nhiều mức mà ECB cho là “lý tưởng”.

Về phần mình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vừa qua lên ngưỡng 0,75-1%/năm, ngay cả khi các điều kiện kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hoàn toàn tích cực như giới đầu tư kỳ vọng.

Khác với Fed, ECB và BoJ lo ngại sẽ đối mặt với những khó khăn mới nếu họ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, nhất là khi 2 ngân hàng trung ương này có ít công cụ để phòng vệ hơn so với Fed. Rủi ro đưa chính sách tiền tệ đi sai hướng có thể khiến ECB và BoJ phải trả giá cao hơn nhiều.

Theo số liệu thống kê mới công bố, tỷ lệ lạm phát cơ bản tại Eurozone trong tháng 5/2017 là 1,4%, song lạm phát lõi (chỉ số không bao gồm các loại hàng hóa có giá biến động như dầu mỏ) chỉ ở mức 0,9%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát của Eurozone trong tháng 6 cũng đã được điều chỉnh giảm thấp hơn nữa, trong khi tỷ lệ lạm phát cơ bản trong cả năm 2017 được dự báo chỉ quanh ngưỡng 1,5%.

Trên cơ sở đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, ECB dường như sẽ không theo đuổi chính sách điều chỉnh lãi suất ít nhất cho đến khi chương trình nới lỏng định lượng (QE) kết thúc hoàn toàn.

Theo thông báo, ECB sẽ giữ nguyên kế hoạch mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 60 tỷ euro/tháng cho đến tháng 12/2017. Như vậy, khả năng ECB tăng lãi suất sẽ chỉ diễn ra sớm nhất vào năm 2018.

Một điểm đáng chú ý khác là thị trường tài chính hiện không còn bị tác động quá nhiều bởi các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương như trong quá khứ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới hiện nay đã chủ động xây dựng được các nền tảng trước các rủi ro bùng nổ bong bóng tài sản trong tương lai, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.

Vì thế, sự thận trọng có phần “quá mức” của ECB hay BoJ cũng là điều dễ hiểu, dựa trên thực tế từ chính nền kinh tế nội tại và các yếu tố thị trường khác.

Chuyên gia tư vấn đầu tư Jack Ablin tại BMO Private Bank nhận định, chính dòng thanh khoản từ các ngân hàng trung ương châu Âu như ECB hay BoJ là một phần động lực tăng trưởng của chứng khoán thế giới. Nếu nguồn thanh khoản này chậm lại hoặc thu hẹp, giá trị tích cực đối với thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Tuy nhiên, dự báo xu hướng lên giá của chứng khoán thế giới sẽ tiếp diễn, đặc biệt tại thị trường châu Âu và các nền kinh tế đang phát triển, nơi mức lợi nhuận/cổ phiếu được đánh giá là hấp dẫn hơn so với chứng khoán Mỹ.

Một số lĩnh vực được giới chuyên gia đánh giá cao là công nghệ, nguyên vật liệu, song vẫn cần cẩn trọng trước xu hướng giảm của giá dầu mỏ, tác động tới nhóm cổ phiếu năng lượng.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục