ECB ủng hộ sử dụng quỹ cứu trợ mua trái phiếu chính phủ

Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết Quỹ cứu trợ 440 tỷ EUR nên được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ hơn là hỗ trợ hệ thống ngân hàng.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet. Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet.

Trong cuộc hội đàm diễn ra hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tranh luận khá gay gắt về phương án sử dụng Quỹ ổn định tài chính châu Âu EFSF 440 tỷ EUR, tương đương hơn 600 tỷ USD.

 

Lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone tỏ ra bất đồng quan điểm khi Paris muốn sử dụng EFSF để tái cơ cấu vốn các ngân hàng của mình thì Berlin lại khẳng định quỹ cứu trợ chỉ nên sử dụng như phương án cuối cùng, khi tất cả các biện pháp khác đều không hiệu quả.

 

Lập luận của ông Sarkozy chỉ ra rằng, các ngân hàng Pháp hiện đang nắm giữ nhiều nhất lượng trái phiếu nợ của các quốc gia Eurozone, nếu hệ thống ngân hàng này mất ổn định sẽ tác động đến hệ thống tài chính toàn Eurozone.

 

Sau đó, khi kết thúc cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, bà Merkel một lần nữa khẳng định rằng EFSF chỉ nên được sử dụng khi một quốc gia không thể tự đối phó với vấn đề.

 

Bà cũng cho rằng, những ngân hàng đang gặp vấn đề về vốn nên tìm kiếm nguồn vốn bổ sung trên thị trường trước khi cầu cứu chính phủ. Còn EFSF sẽ là phương án cứu trợ cuối cùng, đi kèm với những quy định nghiêm ngặt.

 

Về phía mình, ECB cho rằng, quỹ này nên được sử dụng để mua một phần trái phiếu chính phủ mới phát hành của các quốc gia đang gánh chịu những khoản nợ công lớn.

 

“Điều đó sẽ giúp các quốc gia này có khả năng thanh toán 1 phần nợ”, phó chủ tịch ECB, ông Vitor Constancio cho biết trong bài phát biểu tại Milan ngày hôm qua.

 

Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng xây dựng “bức tường lửa” xung quanh những quốc gia trọng yếu của nền kinh tế khu vực như như Italia, Tây Ban Nha. Đây là 2 nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 trong Eurozone. Nếu sự mất ổn định diễn ra tại 2 quốc gia này, châu Âu sẽ rất khó khăn để có thể kiểm soát tình hình.

 

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet thì lên tiếng phản đối ý kiến cho rằng ngân hàng này nên tăng cường khoản vay đối với EFSF nhằm tăng giá trị gói cứu trợ châu Âu vì cho rằng, động thái như thế là “không thích hợp”. Ông cho rằng, một chương trình bảo lãnh đối với các quốc gia có thể giúp tính thanh khoản của chính phủ các quốc gia này tốt hơn nhưng cũng không làm cạn kiệt nguồn tài chính của EFSF.

 

Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể thảo luận về việc có tăng độ lớn quỹ EFSF vào ngày 23/10 tới. Cuộc họp bàn này cũng sẽ thảo luận các vấn đề của Hy Lạp và phương án  bảo vệ Tây Ban Nha cũng như Italia trước nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ công.


Bloomberg/DVT

Tin cùng chuyên mục