ECB đi trước một bước trước ý định “ly khai” của Hy Lạp

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ tạm thời ngừng cho vay đối với một số ngân hàng Hy Lạp để hạn chế khả năng rủi ro khi mà chủ tịch Mario Draghi báo hiệu rằng ECB sẽ không thỏa hiệp với các nguyên tắc then chốt để giữ Hy Lạp không bị loại khỏi khu vực đồng Euro.
Mario Draghi Mario Draghi

Động thái này khá bất ngờ bởi nó rơi vào hoàn cảnh nhạy cảm khi sức ép phải rời khu vực đồng tiền chung châu Au (Eurozone) của Hy Lạp đang tăng lên cả trong và ngoài nước. Đồng thời, ECB cũng đang thực hiện chương trình bơm vốn đặc biệt với giá trị 1.000 tỷ euro cho các ngân hàng khu vực Eurozone

Trách nhiệm hỗ trợ với các tổ chức tài chính Hy Lạp sẽ được ECB chuyển giao cho Ngân hàng trung ương Hy Lạp cho đến khi có một giải pháp rõ ràng hơn để củng cố khả năng hoạt động của các tổ chức này.

“Một khi quá trình tái cơ cấu vốn được hoàn thiện, chúng tôi mong đợi điều này sẽ được hoàn thành sớm, khi đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ dành lại được khả năng tiếp cận với hoạt động tái cấp vốn chuẩn Eurosystem,” ECB cho biết.

Quyết định trên được đưa ra sau khi ông Draghi lần đầu tiên thừa nhận rằng Hy Lạp có thể phải rời khỏi liên minh tiền tệ chung.

Tuy nhiên, quyết định của ECB cũng vấp phải một số bình luận trái chiều rằng, ECB đã quá thận trọng khi quyết định cuối cùng của Hy Lạp vẫn chưa được đưa ra. Và như vậy, trách nhiệm hỗ trợ các ngân hàng tại Hy Lạp vẫn có phần của ECB thay vì đẩy câu chuyện vốn rối ren càng trở lên rối ren hơn.

“Việc ra đi của Hy Lạp cho đến nay được xem là một điều hết sức vô lý,” ông Thomas Costerg, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered tại London cho biết.

“ Điều đó đang dần trở thành kịch bản chính, ECB cho thấy họ đang ưu tiên bảng cân đối kế toán của mình hơn là vấn đề địa lý của liên minh tiền tệ này trong tương lai. “

Hy Lạp đang phải đối mặt với một cuộc bầu cử mới vào ngày 17/ 6 tới mà có thể thúc đẩy các bên chống đối với các điều kiện của gói cứu trợ quốc tế, tăng cao mối đe dọa phải ra đi của quốc gia này.

Gói cứu trợ tài chính 130 tỷ euro (165 tỷ USD) vào đầu năm nay  đã cung cấp một nguồn vốn khoảng 50 tỷ euro để tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng Hy Lạp sau khi các ngân hàng này báo cáo thua lỗ từ việc cơ cấu nợ của quốc gia, khoản thua lỗ lớn nhất từ trước tới nay.

Bốn ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp đang chờ phê duyệt của Liên minh châu Âu để có thể nhận  được 18 tỷ euro trái phiếu từ Quỹ ổn định tài chính châu Âu cho nhu cầu tái cơ cấu vốn của mình, theo báo cáo của Imerisia.

Để “làm nhẹ” quyết định của mình, hành động ECB được cố gắng giải thích ở góc độ kỹ thuật và khẳng định ECB vẫn có vai trò dù chỉ là gián tiếp.

“ECB có thể chỉ cho vay đối với các ngân hàng đang ở trong tình trạng tốt và do đó nó sẽ không cho phép các tổ chức thiếu vốn có thể tiếp cận được  với các hoạt động tái cấp vốn của mình”, một quan chức của khu vực đồng euro cho biết.

Các ngân hàng cần vốn để tái cơ cấu nợ của Hy Lạp sẽ được sử dụng biện pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA). Giải pháp này cho phép các ngân hàng trung ương quốc gia có thể cung cấp cho các tổ  chức cho vay với sự chấp thuận của ECB.

Khu vực Eurozone đang rối bời bởi hậu quả của khủng hoảng nợ công đe dọa trực tiếp tới sự vẹn toàn của cả Khối.

“Việc ra đi của Hy Lạp có thể chỉ mang tính quản lý kỹ thuật nhưng sẽ làm tổn hại đến niềm tin trong liên minh tiền tệ”, thành viên của hội đồng thành viên Patrick Honohan cho biết.

“Sự ra đi của  Hy Lạp không phải là sự xóa sổ hoàn toàn, nhưng cũng chẳng lấy gì làm hấp dẫn”, ông này bình luận.

Chứng khoán châu Âu đã giảm ngày thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất năm nay, trong bối cảnh sự lo  lắng ngày càng tăng về việc Hy Lạp sẽ bị buộc phải ra khỏi khu Eurozone. Chỉ số Stoxx Europe 600 Index (SXXP) trượt giảm 0,6% xuống  244,4 tại thời điểm kết thúc giao dịch. Chỉ số này đã giảm 10% từ mức đỉnh ngày 16/3 năm nay trong bối cảnh bất ổn chính trị tiếp tục diễn ra ở Hy Lạp. Đồng euro có chút thay đổi giảm xuống mức 1,2725 USD sau khi đã giảm gần 4% trong tháng này.


Hợp Trang (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục