Dữ liệu trái chiều, Dow Jones bị nhuộm đỏ

(ĐTCK) Dow Jones đảo chiều giảm điểm trở lại, trong khi S&P có phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm mới khi có nhiều thông tin kinh tế trái chiều tác động.
Giới đầu tư Phố Wall thận trọng trong những phiên giao dịch đầu năm mới Giới đầu tư Phố Wall thận trọng trong những phiên giao dịch đầu năm mới

Phố Wall giảm điểm trong phiên đầu tuần khi các thông tin kinh tế trái chiều được công bố.

Theo báo cáo mới được công bố cho thấy, hoạt đông trong lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm trong tháng 12 cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa vững chắc. Trong khi đó, một báo cáo khác lại cho thấy, đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ lại tăng trong tháng 11.

Dù vậy, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn rất thận trọng khi các chỉ số của Phố Wall đã có năm tăng điểm ấn tượng và có tháng tăng thứ 4 liên tiếp trong tháng 12. Do đó, không khó hiểu khi lực chốt lời gia tăng khi thị trường bước vào năm mới 2014.

Vì vậy, ngay khi thông tin hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại trong tháng 12, nhà đầu tư càng có lý do để bán ra, kéo các chỉ số giảm mạnh hơn trong phiên 6/1 và cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong đầu năm mới.

Bên cạnh đó, việc phía Trung Tây của Mỹ đang trải qua một mua Đông khắt nghiệt, tuyết rơi dày đặc và băng giá khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn, hủy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống của người dân cũng khiến giới đầu tư Phố Wall thận trọng.

Kết thúc phiên 6/1, Dow Jones giảm 44,89 điểm (-0,27%), xuống 16.425,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,60 điểm (-0,25%), xuống 1.826,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,23 điểm (-0,44%), xuống 4.113,68 điểm.

Một thông tin quan trọng khác trong phiên đầu tuần và có thể ảnh hưởng mạnh tới Phố Wall chiếc ghế quyền lực nhất tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Theo thông tin vừa được công bố, bà Janet Yellen, Phó chủ tịch FED và là ứng viên thay thế đương kim Chủ tịch Ben Bernanke sẽ mãn nhiệm vào ngày 31/1 tới đây đã vượt qua “cửa ải” Thượng viện Mỹ.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, bà Yellen đã nhận được 56 phiếu thuận và 26 phiếu chống, các phiếu chông đều là của các thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa. Như vậy, gần như bà Yellen sẽ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của cơ quan hoạch định chính sách quyền lực nhất thế giới.

Bà Yellen được cho là sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hiện tại của ông Ben Bernanke.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giằng co trong phiên đầu tuần, nhưng vẫn giữ được vị thế tăng giá. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi dữ liệu không tích cực từ kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng từ Phố Wall, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu đã đẩy mạnh bán ra, đẩy các chỉ số quya đầu giảm điểm và chỉ có chứng khoán Anh may mắn không giảm điểm, còn lại đều kết thúc phiên trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 6/1, FTSE 100 của Anh tăng 0,06 điểm (+0,00%), lên 6.730,73 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 7,15 điểm (-0,08%), xuống 9.428,00 điểm. Chỉ số CAC40 của Pháp giảm 20,11 điểm (-0,47%), xuống 4.227,54 điểm.

Trước đó, chứng khoán châu Á đã có phiên đầu giao dịch đầu tuần bị nhuộm trong sắc đỏ. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản mất hơn 2,3% ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, còn chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề với thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất PMI của Trung Quốc xuống mức thấp nhất 3 tháng, từ 52,5 trong tháng 11, xuống 50,9 điểm trong tháng 12.

Kết thúc phiên 6/1, Chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 382,43 điểm (-2,35%) trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2014, xuống 15.908,88 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 133,13 điểm (-0,58%), xuống 22.684,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 37,43 điểm (-1,8%), xuống 2.045,71 điểm.

Trên thị trường hàng hóa, giá vàng gần như đứng yên trong phiên đầu tuần. Giá vàng trong phiên đầu tuần gần như đi ngang quanh mức đóng cửa của phiên cuối tuần trước, ngoại trừ thời điểm đầu phiên Mỹ, cuối phiên Âu, giá kim loại quý này bất ngờ leo lên 1.248 USD/ounce, rồi rơi tõm xuống 1.238 USD/ounce. Kết thúc phiên 6/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 0,20 USD/ounce, đứng ở mức 1.237,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 0,6 USD, xuống 1.238,00 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên mức giảm đã nhẹ hơn rất nhiều so với 2 phiên trước đó. Sau 3 phiên giảm, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã mất tới gần 6% và giá dầu thô Brent cũng mất hơn 5%.

Trước đó, cuộc xung đột ở Nam Sudan khiến giá dầu tăng mạnh, chạm ngưỡng 100 USD, tuy nhiên, hiện các bên tham chiến ở Nam Sudan đang vừa đánh, vừa đàm, nên mỗi lo này cũng giảm bớt. Trong khi đó, Lybia sắp khởi động lại mỏ dầu lớn, làm gia tăng nguồn cung và  lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh khiến giá dầu giảm mạnh trở lại. Bên cạnh đó, việc chỉ số PMI của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng cho thấy, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất này đang có dấu hiệu chậm lại cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Đà giảm của giá nhiên liệu bị hãm lại và có thể sẽ tăng trở lại trong phiên 7/1, bởi nước Mỹ đang trải qua một mua Đông khắt nghiệt.

Kết thúc phiên 6/1, giá dầu thô tại thị trường New York giảm 0,53 USD (-0,57%), xuống 93,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,16 USD (-0,15%), xuống 106,73 USD/thùng.

T.Lê

Tin cùng chuyên mục