Dow Jones trượt dài 5 phiên liên tiếp

Đà bán tháo cổ phiếu đã chững lại sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng và số lượng nhà xây mới trong tháng 10. Tuy nhiên, thị trường vẫn cho kết quả đan xen khi xuất hiện một vài sóng lớn cuối phiên.
Phố Wall ít biến động trong phiên 17/11 - Ảnh: Getty Phố Wall ít biến động trong phiên 17/11 - Ảnh: Getty

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 15,62 điểm (-0,14%) xuống 11.007,88 điểm. S&P 500 tăng 0,25 điểm (+0,02%) lên 1.178,59 điểm. Nasdaq tăng 6,17 điểm (+0,25%) lên 2.476,01 điểm.

 

Khối lượng giao dịch trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt 7,19 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 9,65 tỷ cổ phiếu hồi năm ngoái.

 

Thị trường Mỹ phiên ngày 17/11 gần như không có mấy biến động sau khi đã trượt giảm gần 2% trong phiên liền trước, chỉ tới gần cuối phiên mới xuất hiện một vài sóng lớn và dẫn đến kết quả cuối cùng đan xen.

 

Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,2%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 9. CPI cơ bản (không tính năng lượng và thực phẩm) tăng 0,6%, thấp nhất kể từ năm 1957.

 

Một số liệu khác là số nhà xây mới trong tháng 10 giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 519.000 căn, thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Trong khi giới phân tích dự báo tăng lên 600.000 căn.

 

“Các số liệu trên đúng như dự báo của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Nhà đầu tư không còn gì để nghi ngờ tính đúng đắn của các chính sách”, Stephen Wood, quản lý bộ phận chiến lược thị trường thuộc Russell Investments, cho hay.

 

Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà đầu tư lo lắng mức lạm phát hiện nay là quá thấp, và các biện pháp của FED có thể đẩy giá cả lên cao khi dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa.

 

Khu vực chứng khoán châu Âu trở lại màu xanh trong phiên hôm qua, với chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,19%, chỉ số DAX của Đức tăng 0,55% và chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 0,79%.

 

Trong khi đó, hầu hết các thị trường châu Á tiếp tục chìm trong sắc đỏ, do ảnh hưởng của đà bán tháo mạnh mẽ trên toàn cầu từ ngày hôm trước, xuất phát từ lo ngại Trung Quốc thắt chặt tín dụng và nợ công châu Âu.

 

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 1,5%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/10, đánh dấu phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,02%; chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,92%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,11%.

 

Thị trường chứng khoán Nhật Bản là điểm sáng duy nhất của toàn khu vực, mặc dù chỉ số Nikkei 225 chỉ nhích có 0,15% lên 9.811,66 điểm. Các thị trường Singapore và Ấn Độ đóng cửa nghỉ lễ.

Dow Jones trượt dài 5 phiên liên tiếp ảnh 1


VNE

Tin cùng chuyên mục