Dow Jones sẽ vượt đỉnh tháng 4?

(ĐTCK-online) Chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones hiện đang ngấp nghé ngưỡng điểm cao nhất năm 2010 đạt được trong tháng 4 và nhiều nhà phân tích lạc quan rằng, Dow Jones sẽ vượt qua để bắt đầu một chu kỳ tăng điểm mới.
Mọi con mắt đổ dồn vào Dow Jones Mọi con mắt đổ dồn vào Dow Jones

Cuối tuần qua, Dow Jones dao động mạnh quanh ngưỡng tâm lý nhạy cảm trên 11.100 điểm, trong phiên có lúc đã vượt ngưỡng 11.205,03 điểm thiết lập hôm 26/4/2010, mức điểm cao nhất trong năm 2010 và cũng là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này chạm đáy sau khủng hoảng hồi tháng 3/2009.

Nếu Dow Jones giữ vững và vượt ngưỡng 11.205,03 điểm, nó sẽ khẳng định với nhiều nhà phân tích, tư vấn chứng khoán rằng, thị trường hồi phục bắt đầu từ tháng 3/2009 vẫn tiếp tục mạnh mẽ. Đó sẽ là mức điểm cao nhất kể từ giữa tháng 9/2008, thời điểm mà Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ, kéo theo làn sóng bán tháo cổ phiếu sau đó.

Khi đó, Dow Jones sẽ chứng tỏ rằng, sự “yếu đuối” của TTCK Mỹ trong vài tháng qua, đặc biệt là cú sốc tụt điểm không rõ nguyên nhân (Flash Crash) đầu tháng 5/2010, không gì khác chỉ là một sự điều chỉnh trong một thị trường tăng điểm (bull market).

Tuy nhiên, thị trường cần thêm thời gian nhất định để khẳng định liệu đỉnh cao tháng 4 có bị phá vỡ. Nhưng có thể chắc chắn rằng, Dow Jones rất được nhà đầu tư quan tâm. Điều này có ý nghĩa là, nếu chỉ số này vượt 11.205,03 điểm sẽ là một chất xúc tác cực mạnh cho những ngày bùng nổ (tăng điểm tiếp theo), khi mà nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích vẫn đứng ngoài thị trường vì nghi ngờ đợt tăng điểm vừa qua.

Ngày 26/4/2010, Dow Jones có lúc đã đạt đỉnh 11.258 điểm. Tuy nhiên, thị trường giảm điểm sau đó với cú sốc Flash Crash đầu tháng 5. Rõ ràng, ngưỡng kháng cự kỹ thuật này chắc chắn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức chuyên nghiệp.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh trong thời gian vừa qua là cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Những biện pháp khắc khổ của chính phủ nước này đã được thực hiện, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều tầng lớp xã hội. Khi phần lớn vấn đề nợ Hy Lạp được giải quyết, sự bất ổn trên TTCK đã giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục. Dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, nhưng con số mất việc làm mới đã giảm đi. Con số thống kê đáng lo ngại nhất hiện nay chính là niềm tin người tiêu dùng, khi mà chỉ số này vẫn duy trì ở mức rất thấp.

Giá cổ phiếu Mỹ hiện đang được hỗ trợ mạnh bởi kết quả lợi nhuận khả quan và đang tốt lên ở nhiều lĩnh vực chính sách nới lỏng tiền tệ. Google vừa công bố con số lợi nhuận vượt xa mọi dự đoán của nhà phân tích và giá cổ phiếu này tăng hơn 50 USD/cổ phiếu chỉ 1 ngày sau đó, hiện đứng ở mức trên 600 USD/cổ phiếu. Caterpillar cho biết, lợi nhuận quý III tăng 96% và nâng mức triển vọng lợi nhuận cho cả năm 2010. Lợi nhuận quý III của Freeport McMoRan Copper & Gold tăng 27% nhờ giá hàng hóa tăng cao. Giá cổ phiếu Freeport tăng hơn 3% sau khi lợi nhuận được công bố.

Với mùa công bố kết quả kinh doanh đang tiếp tục và lợi nhuận cao từ JPMorgan Chase & Co, Intel Corp và Alcoa Inc, sự hồi phục đang diễn ra sẽ được hỗ trợ rất nhiều.

Theo Bespoke Investment Group, mọi con mắt nhà đầu tư đang đổ dồn vào chỉ số Dow Jones để xem xu hướng tiếp theo của thị trường. Với những tín hiệu tích cực, nhà đầu tư có lý do để tin rằng, xu hướng tăng điểm hiện tại sẽ còn tiếp tục.

Tuy nhiên, trong lúc Dow Jones đang ở ngưỡng cao thì chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn 5% so với mức điểm hồi Lehman Brothers sụp đổ hơn 2 năm về trước. Về kinh tế vĩ mô, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, sản xuất công nghiệp trong nước giảm trong tháng 9, lần giảm đầu tiên kể từ khi suy thoái kết thúc, điều khiến giới phân tích cho rằng, FED sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu để đảm bảo sự hồi phục là chắc chắn.

Đáng kinh ngạc là chỉ trong một thời gian ngắn vài tháng, Dow Jones đã quay trở lại được mức đỉnh tháng 4. Kể từ mức thấp nhất gần đây hồi tháng 7/2010, chỉ số này đã bật trở lại 1.500 điểm hay 15,6%, bất chấp các số liệu kinh tế không mấy sáng sủa. Sự hồi phục gần đây cũng gắn liền với những tuyên bố từ FED rằng, các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo sẽ được tiếp tục (nhưng cũng có thể khiến nhiều người nghĩ rằng, đây là một đợt hồi phục không chắc chắn).

Về phương diện chính trị, các nhà quan sát cũng coi sự hồi phục tháng 10 là đáng ngạc nhiên và có thể chứng kiến một tháng 11 đáng ngạc nhiên nữa khi kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra trong tháng này (2/11) và cuộc họp của FED.

“Nếu Đảng Cộng hòa chi phối Quốc hội Mỹ, điều này sẽ tốt cho chứng khoán”, Michael Santoli, một nhà phân tích chính trị nói. Nhưng theo Santoli, số liệu kinh tế trong tháng 11 có thể không được tốt như nhiều người hy vọng, khi thâm hụt ngân sách Mỹ là đáng lo ngại. Những người kỳ vọng vào việc có thêm gói kích thích kinh tế có thể sẽ thất vọng.

Ngoài ra, ngày 3/11, Ủy ban Thị trường mở của FED sẽ họp và có thể công bố kế hoạch tiếp tục mua trái phiếu hay không. Nếu có, con số có thể không lớn để có thể hỗ trợ mạnh cho TTCK.


Nguyên Hưng (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục